Ấm no nhờ nuôi 'sâm biển' ở Đảo Phất Cờ

|

Mô hình nuôi rong sụn được xem là loài 'sâm biển' của HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ đem về giá trị kinh tế cao. Loài rong sụn không chỉ giúp bà con ngư dân ở Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng thêm thu nhập, giảm sự phụ thuộc vào phát triển nuôi hàu, mà còn cải thiện nguồn nước vùng vịnh Bái Tử Long.

Rong sụn được coi là sâm biển và sử dụng nhiều trong ngành y dược, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, công nghệ sinh học… Loài rong này được các nhà khoa học di trồng từ Philippines sang Nhật rồi trồng thành công ở nhiều tỉnh phía Nam nước ta, như: Nha Trang, Ninh Thuận… nhưng mãi tới gần đây mới nuôi ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Lợi nhuận đem về hàng trăm triệu đồng/năm

Nằm trên vùng biển xanh ngát của Vịnh Bái Tử Long, Đảo Phất Cờ như vòng cung xanh án ngữ trước một vùng biển mênh mông của thôn 2, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, trong khu vực đảo Phất Cờ còn có một trang trại nổi nằm trên mặt biển ngay vùng nước chân đảo đá. Đó là khu vực nuôi trồng thủy sản của HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ.

HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ tiên phong trong việc đưa giống rong sụn về nuôi. 

Vùng biển đảo Phất Cờ có nước biển đạt độ mặn từ 28-32‰, nhiệt độ dao động từ 27-35 độ C, dòng chảy, hiện tượng nhật triều và nguồn khoáng chất dồi dào... là những yếu tố thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng đã mở ra triển vọng cho mô hình nuôi rong sụn.

Nhằm khai thác tiềm năng này, HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ đã thử nghiệm nuôi thành công rong sụn xen canh với hàu trên vịnh Bái Tử Long. Theo đó, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn với sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm, thu về hàng trăm triệu đồng/ha.

Đây là hướng đi mới trong phát triển đa dạng đối tượng nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu những tác động tới môi trường do nuôi hàu ở mật độ cao, nâng cao giá trị ngành thủy sản.

Với sự đầu tư bài bản, tư duy nhạy bén, khai thác thế mạnh của đảo, HTX đã vận động thành viên vừa phát triển nuôi trồng thủy sản, tích cực thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình trình diễn, vừa kết hợp nổi với du lịch trải nghiệm.

Tại đây, du khách có thể đi bộ tham quan các bè nuôi trồng thủy sản, học tập kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm dịch vụ thu hoạch sản phẩm. Đáng chú ý, du khách có thể được trải nghiệm thu hoạch rong, sơ chế, phơi khô, cũng như thưởng thức các món ăn chế biến từ rong sụn...

Đến nay, HTX đã thu hút 23 thành viên tham gia, doanh thu bình quân trên 1,1 tỷ đồng/thành viên/năm, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/thành viên/năm.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, cho biết trước đây gần như cả vùng vịnh Hạ Long chưa ai nuôi rong sụn, khi HTX Phất Cờ nuôi thử nghiệm thành công, lấy mẫu rong gửi đến viện nghiên cứu đánh giá các chất dinh dưỡng, khoáng chất đạt được tiêu chuẩn của doanh nghiệp chế biến đưa ra. 

Ông Bính tâm sự: “Mục tiêu của HTX mỗi ngày phải thu hoạch 10 tấn rong sụn mới đủ cung cấp cho nhà máy chế biến. Ngay từ bây giờ phải lo cung ứng giống rong cho các thành viên HTX và những hộ có cơ sở hạ tầng lớn. Mọi quy trình sản xuất, nuôi trồng phải làm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra, ngư dân phải làm đúng theo quy trình sẽ cùng thắng lợi”.

Hành trình gian nan nhưng tương lai rực sáng

Đây là những thành công bước đầu sau thời gian vất vả. Ông Bính nhớ lại, năm 2021, sau một hội nghị, tình cờ được 'dúi' cho túi rong và được giới thiệu là sâm biển, vật nuôi ngoại lai, có giá trị kinh tế cao. Vốn tò mò, qua tìm hiểu ông biết đó là rong sụn, đang được thị trường hết sức ưa chuộng.

Rong sụn có thể trồng ở thủy vực, mặt nước ven biển và đảo chìm ở độ sâu 0,5 đến 10 mét, độ mặn từ 28-32‰, vùng nước yên tĩnh, ít chịu ảnh hưởng của sóng gió, nước luôn được luân chuyển và đặc biệt đã nuôi thành công ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ. Riêng ở Quảng Ninh thì chưa hề có ai.

Nghe tới đây, ông Bính rất háo hức. Những ngày đầu khi loay hoay chưa biết cách nuôi trồng ra sao, thì rong treo dưới biển đã bị cá rìa… “chén” gần hết, nhưng số rong còn sót lại vẫn sinh trưởng tốt nên ông Bính cho rằng, có thể nuôi được rong ở đây. Vì thế, ông quyết định đặt mua thêm 120kg rong giống. Giá thành rong giống khá rẻ, chỉ chừng 5.000 đồng/kg nhưng cộng cả chi phí vận chuyển máy bay, tới tay ông giá thành lên đến 40.000 đồng/kg. Cùng với chi phí lưới, khung đáy ngăn cá rìa..., số tiền vốn bỏ ra ban đầu đã hơn 100 triệu đồng.

Chi phí quá lớn khiến ông Bính lại phải mày mò tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn nuôi thành công rong sụn, tránh cá rìa. Qua bao lần trăn trở, ông quyết định di chuyển rong từ ven bờ ra giữa biển, trồng rong đại trà, chấp nhận cho cá rìa ăn để giữ rong. Nghe câu chuyện có vẻ “hoang đường” nhưng lại là kinh nghiệm xương máu của ông. "Khi trồng rong đại trà trên diện tích mặt nước ngoài xa, cá rìa chỉ ăn hết 10-15% số rong sụn ở rìa ngoài, trong khi đó tiết kiệm được nhiều chi phí do không mất tiền đầu tư khung đáy, lưới…" - ông Bính giải thích.

Sau đó, ông Bính tiếp tục đổi mới phương thức nuôi rong sụn bằng cách mở mật độ, giãn khoảng cách cao hơn quy định, lên đến 40cm/dây; tận dụng giá thể nuôi nhuyễn thể đang suy thoái để nuôi trồng rong nhằm tiết kiệm chi phí…

Ông chia sẻ về quyết định mạo hiểm khi nuôi rong sụn, ném tiền xuống biển cho cá ăn, ban đầu bị coi là gàn. Gia đình, vợ con phản đối dữ dội. Nhưng cuối cùng, bằng kinh nghiệm bản thân và những kiến thức tích lũy, dần dần từ chính trải nghiệm thực tế giúp ông nuôi trồng thành công rong sụn.

Ông Hà Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Long (Vân Đồn) đánh giá: việc nuôi trồng rong và hàu, cá vừa giúp bổ sung thức ăn cho nhau vừa làm sạch môi trường biển. Bởi xưa nay các loại rong biển vốn được coi là cỗ máy làm sạch môi trường nước. Nếu đem lại hiệu quả, sẽ đem lại thêm nguồn thu nhập, thêm vật nuôi mới, tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã và huyện Vân Đồn.

Theo VN Business