Biến đất hoang thành 'bờ xôi ruộng mật'
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, 5 năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện những mô hình thanh niên khởi nghiệp từ mô hình HTX, đứng ra thuê, mượn lại đất nông nghiệp bỏ hoang không canh tác của nông dân để quy vùng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.
Anh Phạm Văn Quyên (36 tuổi) – Giám đốc HTX Nông, lâm, thủy hải sản Nam Việt huyện Tiên Lãng chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp vất vả, manh mún, thu nhập thấp, trong khi sức hút từ các ngành nghề khác có thu nhập cao, khiến người dân không còn mặn mà với việc đồng áng. Theo tính toán của anh Quyên, 1 sào cấy lúa sau 3 tháng cho thu hoạch 2 tạ thóc, tương đương 1,6 triệu đồng. Nếu được mùa, trừ chi phí, người dân chỉ được 200.000 đồng. Bởi vậy, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang ngày càng nhiều. Thậm chí có những diện tích trước là "bờ xôi ruộng mật" nay cũng bị bỏ hoang.
Quyết tâm hồi sinh đất
Anh Quyên từng là giáo viên chuyên ngành điện của một trường cao đẳng tại Hải Phòng. Với khát khao làm nông nghiệp, cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, năm 2016, anh xin vào Công ty Cổ phần nông sản Việt Nam VEG làm việc. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, năm 2018, anh chính thức về quê đứng ra tập hợp một số hộ dân thành lập HTX.
Anh Quyên giới thiệu với phóng viên khu vực trồng cây mộc hương trà. |
Với đam mê làm nông nghiệp, anh cùng HTX bắt tay ngay vào công cuộc thuê, mượn lại các diện tích bỏ không canh tác của người dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, HTX đã thuê mượn được hơn 30 ha đất nông nghiệp bỏ không canh tác của bà con nông dân để triển khai các mô hình.
Cụ thể, tại huyện Tiên Lãng, HTX có khoảng 25 ha (không tính diện tính liên kết với nông dân) trồng rau màu các loại, chuối ăn quả, diện tích đầm nuôi trồng thủy sản. Còn tại xã An Thọ huyện An Lão, HTX thuê lại gần10 ha đất nông nghiệp bỏ không canh tác để trồng lúa, nuôi thả cá, tôm. Tại xã Bắc Sơn, huyện An Dương, đầu năm 2023, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, HTX đã mượn lại hơn 6 ha đất nông nghiệp bỏ hoang không canh tác của bà con để trồng một số loại cây ăn quả như: Cam Đồng Dụ, vú sữa Hoàng Kim, nho sữa và một số sản phẩm rau màu.
Dẫn phóng viên đi thăm quan các cánh đồng, anh Quyên cho hay: Làm nông nghiệp kiểu này phải có đam mê, nó giống như “đổi tiền chẵn, lấy tiền lẻ”, ai không kiên trì thì không làm được. Lúc đầu tất cả các khu vực mà HTX đang thuê, mượn đều là đất bạc màu, cỏ mọc um tùm không canh tác nhiều năm, chuột cũng nhiều, hệ thống tiêu, thoát nước bị bồi lấp không có. Để từng bước thuần hóa những mảnh đất bỏ hoang này, HTX đã bỏ ra nhiều công sức, kinh phí để dọn dẹp mặt bằng, đắp bờ vùng xung quanh, cải tạo đất, lựa chọn các giống cây thích hợp để canh tác, xây dựng hệ thống cung cấp nước cho cánh đồng...
Dưa chuột trồng theo hướng hữu cơ. |
Trong những năm đầu để có nguồn thu duy trì, bên cạnh việc trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, HTX để lại một phần diện tích trồng các cây rau màu ngắn ngày, cấy lúa, thả cá... Sản phẩm thu được sẽ được cung cấp vào các bếp ăn tập thể mà HTX đã ký hợp đồng. Về lâu dài, khi các vùng trồng cây ăn quả cho thu trái, HTX sẽ kết hợp làm nông nghiệp với dịch vụ trải nghiệm du lịch đồng quê.
Hiện nay, chính những nông dân (chủ yếu là những phụ nữ từ 50 – 60 tuổi) cho HTX mượn ruộng đang trở thành công nhân làm việc cho HTX. Công việc của những công nhân này là nhổ cỏ, chăm sóc cây, mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất
Một mô hình khác ở Hải Phòng cũng được nhiều người biết đến là mô hình “HTX Nông trại Vui vẻ” tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, mô hình này hiện đang trở thành điểm đến trải nghiệm lý tưởng cho các gia đình, các cháu nhỏ trong thành phố vào mỗi dịp cuối tuần.
Chị Trần Thị Quỳnh Vân (sinh năm 1989) giám đốc HTX cho biết, hiện nay, HTX có khoảng 3 ha đất nông nghiệp thuê, mượn lại của nông dân. Trước đó, những diện tích này đều là đất bỏ không canh tác
HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để trồng các sản phẩm rau ăn lá theo mùa như rau cải, rau muống, rau ngót... 100% sản phẩm rau, củ, quả tại nông trại trồng theo phương thức hữu cơ. Cụ thể không sử dụng phân bón hóa học như đạm, lân... mà sử dụng phân bò ủ hoai mục, phân trùn quế, đạm cá; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà sử dụng các chế phẩm sinh học.
Khu vực ruộng bỏ hoang nay đã trở thành khu nhà lưới sản xuất rau, hoa quả sạch hữu cơ. |
Bên cạnh diện tích trồng rau nhà lưới, HTX còn có các khu vực trồng cây ăn quả như 200 gốc nho hạ đen, trồng hoa, cây cảnh để phục vụ học sinh tới trải nghiệm.
Không chỉ có lãnh đạo trẻ đến từ các HTX tích cực tham gia công cuộc hồi sinh đất hoang, mà tại Hải Phòng còn có nhiều thanh niên khác cũng đang tích tụ ruộng đất với những mô hình cánh đồng mẫu lớn như anh Đàm Văn Đoàn (36 tuổi) xã Thiên Hương. Từ năm 2020 đến nay, anh đã thuê được 7ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại địa phương và đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua các loại máy móc như máy cày, máy gặt... Trung bình mỗi vụ anh thu được 40 tấn lúa, trị giá khoảng 450 triệu đồng...
Về lâu dài, để diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang của Hải Phòng giảm xuống và thu hút nhiều thanh niên tham gia vào quá trình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp, UBND TP Hải Phòng, Sở NN&PTNN cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật tư nông nghiệp, hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp...
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [12/05/2023] Du lịch cộng đồng tạo cú hích cho nông thôn mới trên cao nguyên đá
- [12/05/2023] Hướng đi mới từ nuôi cá kết hợp du lịch sinh thái
- [11/05/2023] Saigon Co.op và UrBox hợp tác số hóa quà tặng, nâng cao dịch vụ khách hàng
- [11/05/2023] Trồng rau cần công nghệ cao, thu hơn 250 triệu đồng/ha
- [11/05/2023] OCOP 'cất cánh' trên đất mũi Cà Mau