Chuyện ‘trao cần câu’ giảm nghèo ở Yên Bái
Nhiều địa phương tại Yên Bái xác định đào tạo nghề hết sức quan trọng để các hộ nghèo, cận nghèo có được "cần câu" phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề thông qua các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đang cho thấy rõ vai trò trong quá trình giảm nghèo ở địa phương này.
Năm 2021, toàn huyện Trấn Yên giảm 215 hộ nghèo, đạt 1,16%; có 4 xã và 46 thôn bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,52%, giảm so với năm 2021 là 1,45%. Giai đoạn 2022-2025, huyện Trấn Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt tối thiểu 0,7%/năm (tương ứng 164 hộ/năm). Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp được huyện triển khai là đẩy mạnh đào tạo nghề.
Bí quyết giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Tháng 3/2023, HTX dâu tằm Hạnh Lê ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) được thành lập với 20 thành viên tham gia. HTX hoạt động kinh doanh theo chuỗi liên kết, từ cung cấp tằm giống, vật tư phân bón, thuốc chữa bệnh trên cây dâu, con tằm, đến thu mua sản phẩm. Ngoài việc giải quyết việc làm cho 10 lao động tại HTX, các thành viên cũng đã giải quyết việc làm cho 40 lao động ở địa phương.
Nhiều địa phương tại Yên Bái xác định đào tạo nghề hết sức quan trọng để các hộ nghèo, cận nghèo có được "cần câu" phát triển kinh tế. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX Dâu tằm Hạnh Lê cho biết: "Ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các gia đình thành viên, chúng tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Năm tới, HTX sẽ mở rộng nhà nuôi tằm và hình thức kinh doanh, vì vậy có thể giải quyết việc làm thêm cho 10 lao động”.
Hiện nay, xã Việt Thành có 2.000 người trong độ tuổi lao động. Cùng với giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp, các công ty trong và ngoài tỉnh, xã cũng đã phát huy lợi thế của địa phương về nông nghiệp để tạo việc làm cho người lao động.
"Xã đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã hội vận động hội viên thành lập các tổ hợp tác, HTX, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Với cách làm này mà đến thời điểm hiện tại, xã Việt Thành có 48 tổ hợp tác, 5 HTX. Chủ trương của xã thời gian tới là sẽ thành lập làng nghề truyền thống để tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch UBND xã Việt Thành thông tin.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên, toàn huyện Trấn Yên có gần 56.400 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ qua đào tạo chiếm 76,5%, trong đó nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 52% và lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 48%.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Trấn Yên khẳng định: "Huyện xác định công tác đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế là một giải pháp quan trọng. Do đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế gắn với xu hướng phát triển ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế".
HTX tiên phong trong giảm nghèo
Bà Triệu Thị Mắn (huyện Văn Yên) chia sẻ, từ khi được tham gia lớp dạy nghề trồng quế, thu hoạch quế đúng kỹ thuật do huyện tổ chức, đồi quế hơn 2 ha của gia đình bà đã phát triển tốt, chất lượng tinh dầu cao. Việc áp dụng kiến thức qua lớp dạy nghề đã giúp gia đình khai thác tỉa, vỏ, cành, lá quế hiệu quả, bán được giá hơn hẳn so với trước đây.
Mô hình đào tạo nghề thông qua các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đang cho thấy rõ vai trò trong quá trình giảm nghèo. |
Năm 2023, UBND huyện Văn Yên đã đặt mục tiêu giảm 4,05% hộ nghèo, tương đương 1.434 hộ, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 1,5%, tương đương giảm 528 hộ. Để đạt mục tiêu này, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tính đến ngày 30/11, dự kiến tỷ lệ nghèo đa chiều sau rà soát năm 2023 của tỉnh Yên Bái là 13,08%, giảm 5,3% so với cuối năm 2022, đạt 112% mục tiêu đề ra tại Kế hoạch 115/KH-TU. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp, trong đó có công tác dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp…
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Yên Bái có 652 HTX, với trên 32.000 thành viên tham gia, thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng... Cái được rõ nét hơn cả là các HTX đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và người dân, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của các thành viên. Đặc biệt, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế.
Dù vậy, việc phát triển HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái kiến nghị bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực HTX.
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với xóa đói giảm nghèo
Nhìn thấy vai trò to lớn của đào tạo nghề, cũng như để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 là cơ bản lao động nông nghiệp làm ở các ngành chính và dịch vụ nông nghiệp nông thôn được đào tạo nghề, phấn đấu đào tạo nghề cho 15.800 lao động nông thôn trở lên (bình quân đào tạo nghề cho gần 4.000 lao động nông thôn/năm), tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, cụ thể: Đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp 130 người; đào tạo cho 15.670 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp góp phần giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NN&PTNT đã và đang xây dựng đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để khai thác các lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp của các vùng, miền trên cả nước, bao gồm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong số các giải pháp về cơ chế, chính sách, Bộ đã xác định đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những giải pháp đột phá chiến lược.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các trường đại học, cơ sở giáo dục của Bộ NN&PTNT tiếp tục trao đổi với các địa phương, trong đó có Yên Bái để phối hợp trong công tác đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; các địa phương phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên địa phương hoàn chỉnh chương trình giáo dục và chương trình đào tạo nghề, quan tâm đến chương trình đào tạo khuyến nông.
Có thể thấy rằng, nếu công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả sẽ giúp người dân ở Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung nâng cao thu nhập, nói cách khác là thoát nghèo bền vững, "trao cần câu hơn con cá".
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [06/02/2024] Công nghệ cao góp phần giảm nghèo bền vững
- [06/02/2024] HTX sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, nông dân 'được mùa, trúng giá' đón Tết to
- [06/02/2024] 'Thủ phủ' rau cần Hoàng Lương hối hả vào Tết, bán ra thị trường hàng trăm tấn mỗi ngày
- [06/02/2024] Giám đốc HTX đau đáu với đam mê đông trùng hạ thảo
- [23/06/2023] HTX ăn nên làm ra từ làm đậu phụ '3 không'