Có một nông thôn xanh ở Hà Giang
Nằm dọc bên bờ sông Bạc, xã Tiên Kiều (Bắc Quang, Hà Giang) những năm qua “thay da đổi thịt” nhờ xây dựng nông thôn mới. Những ngọn đồi bạc màu giờ được phủ xanh bằng những vườn cam, nương chè, những cánh đồng xanh ngát, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tiên Kiều hiện có 8 thôn, bản, đất đai màu mỡ, lợi thế đó được nhân dân trong xã tận dụng phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Năm 2022, xã thu hơn hơn 10.000 tấn cam, trên 440 ha chè cũng cho thu hoạch. Xã cũng có trên 3.100 ha rừng kinh tế và trên 5.400 con gia súc.
Nông nghiệp tạo đà vươn lên
Những thành công trong phát triển nông nghiệp, với những cây trồng mũi nhọn, cho hiệu quả kinh tế cao chính là điểm tựa để Tiên Kiều bứt lên, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
Về xã Tiên Kiều, đến các thôn Giàn Thượng, Giàn Hạ, Kim Thượng, Thượng Cầu..., đâu đâu cũng thấy những vườn cam tươi tốt, trĩu quả và những đồi chè tua tủa búp non vươn lên đón nắng. Người dân địa phương cho hay, cây cam và vườn chè đã, đang làm thay đổi cuộc sống nơi đây.
Điển hình như ở thôn Giàn Thượng, thời gian qua, cam, quýt là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện, bình quân mỗi hộ dân ở Giàn Thượng có 2,5- 2,7 ha cây ăn quả có múi.
Trước nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn, thôn Giàn Thượng đã thành lập HTX cam Sành VietGAP để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Công việc chính của HTX hiện tại là hỗ trợ canh tác, xúc tiến tìm kiếm khách hàng để bán cam cho các hộ sản xuất trong và ngoài địa phương.
Tiên Kiều đang là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang |
Trong các vụ cam, bên cạnh hỗ trợ sản xuất, bao tiêu, HTX sẽ tổ chức cho các hộ liên kết thu hái, đóng bao, dán nhãn tiêu thụ khoảng 1.000- 1.200 tấn cam, mang về trên dưới 10 tỷ đồng.
Được biết, Giàn Thượng là thôn đi đầu đóng góp xây dựng lớp học mầm non, nhà văn hoá thôn và đã 2 lần góp tiền, thuê máy làm hàng chục km đường bê tông. Giàn Thượng cũng là thôn đi đầu trong 8 thôn của xã thường xuyên huy động tu bổ đường làng, ngõ xóm, xây dựng cuộc sống đậm đà bản sắc.
Bên cạnh cây cam, xã Tiên Kiều còn có thế mạnh về trồng rừng. Sản lượng gỗ rừng trồng được khai thác, chế biến mỗi năm của xã đạt trên dưới 3.000m3. Bình quân, mỗi ha rừng trồng sau 6 - 7 năm cho khai thác 80 – 100m3, thu về mỗi ha rừng ít nhất trên 100 triệu đồng.
Lợi ích lớn nhất từ trồng rừng là đầu tư ít, người nghèo, gia đình khó khăn đều làm được và thu nhập ổn định, bền vững. Phần lớn các gia đình trong xã Tiên Kiều đều đi từ kinh tế rừng mà lên.
Nông thôn “khoác áo mới”
Anh Nông Văn Hạc, thành viên Tổ hợp tác nông - lâm nghiệp thôn Giàn Hạ, cho hay ở Tiên Kiều người dân lấy rừng để nuôi vườn, rồi lại lấy vườn nuôi đàn gia súc. Tại đây, tầng cao nhất trên các ngọn đồi được người dân phủ xanh bằng các loại cây lâm nghiệp.
Những cây lâm nghiệp cho giá trị cao nhất tại Tiên Kiều hiện nay là keo lá tràm, keo tai tượng, bồ đề… luôn phủ xanh các ngọn đồi. Xen giữa keo là các loại cây lấy gỗ lâu năm cho giá trị kinh tế lớn như xà cừ, lát, xoan, de, dổi đua nhau mọc.
“Chúng tôi quan niệm trồng cây gỗ lâu năm là hướng tới mục tiêu lâu dài. Còn cây keo, bồ đề là cây lấy ngắn, nuôi dài. Cho nên, trong xã gần như nhà nào cũng thực hiện mô hình 2 tầng, tầng trên là rừng, dưới rừng là cây ăn quả, cây chè, tạo nguồn thu thường xuyên”, anh Hạc chia sẻ.
Có thể thấy, những thành công trong phát triển nông nghiệp vừa thông minh, vừa hiệu quả chính là chìa khóa để Tiên Kiều đạt được những thành công tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, sau 2 năm “cán đích” nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở Tiên Kiều đạt xấp xỉ 45 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 3%, đây là con số rất tích cực với một địa phương có xuất phát điểm nhiều khó khăn ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Nhờ thành công trong nông thôn mới, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã được đào tạo nghề đạt trên 60%, người dân có việc làm ổn định, thu nhập thường xuyên. An ninh, trật tự xã hội ổn định, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chăm lo...
Cùng với đó, điện lưới quốc gia được kéo phủ kín các thôn, đảm bảo cho mọi nhà đều có điện, có nước. Đi liền xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh, Tiên Kiều còn được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mới, nâng cấp hệ thống trường học.
Sau khi xuất sắc về đích nông thôn mới trước hẹn, các thôn của xã Tiên Kiều đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điển hình như ở Thượng Cầu, kể từ năm 2021 đến nay, thôn đã đẩy mạnh hỗ trợ các hộ xây dựng nhà mẫu, vườn mẫu, cải tạo triệt để vườn tạp, đồi tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Thượng Cầu cũng đang huy động đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn gương mẫu làm trước để vận động nhân dân làm theo. Mục tiêu phấn đấu, hết năm 2023, thôn sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng nhà mẫu xanh, sạch, gọn gàng và đẹp mắt. Quyết tâm đưa cây cam, chè trở thành cây thế mạnh để tăng thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng/năm.
Với những thành công đang có, trong thời gian tới, đại diện UBND xã Tiên Kiều cho biết sẽ tiếp tục phát động phong trào toàn dân quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, chú trọng cải tạo vườn tạp, đồi tạp để xây dựng vườn mẫu, đồi cây kinh tế mẫu.
Kèm theo đó, xã từng bước củng cố xây dựng các HTX, tổ hợp tác để liên kết sản xuất tạo ra các chuỗi giá trị kinh tế. Xây dựng và củng cố làng nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa truyền thống hướng đến xây dựng kinh tế du lịch miệt vườn. Quyết tâm, đến cuối nhiệm kỳ đại hội 2020 – 2025, đưa Tiên Kiều thành xã nông thôn mới nâng cao phát triển toàn diện.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [27/04/2023] Người đưa quả táo mèo… 'xuống núi'
- [27/04/2023] Hết cảnh ‘ăn đong từng bữa’, nhiều nông dân Bắc Hà thành triệu phú nhờ trồng loại cây này
- [27/04/2023] Trồng chè sinh thái 'hái ra tiền'
- [27/04/2023] HTX có nhất thiết phải sản xuất theo tiêu chuẩn GAP?
- [27/04/2023] HỢP TÁC XÃ THẢO DƯỢC VIỆT NAM: NÂNG TẦM THẢO DƯỢC LÊN MEN.