Con đường làm kinh tế lớn mạnh từ liên kết, hợp tác

|

Với mô hình trồng nấm hàng hóa tại Lộc Tân (Lộc Lâm, bảo Lâm, Lâm Đồng), Tổ hợp tác trồng nấm thôn 3 không chỉ mang về thu nhập ổn định cho người dân mà còn thúc đẩy người dân liên kết hợp tác, cùng nhau làm kinh tế hàng hóa trên quy mô lớn.

Tổ hợp tác trồng nấm mèo thôn 3 được hình thành từ nhu cầu chuyển đổi cây trồng vật nuôi của người dân địa phương. Bởi chè vốn là cây truyền thống nhưng lại có nhiều thời điểm khó khăn đầu ra, giá cả bếp bênh.

Đi lên từ tổ hợp tác

Trong khi nhận thấy nhu cầu thị trường về cây nấm không hề nhỏ, lại phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nên một số nông hộ trong xã đã tập trung tại khu vực thôn 3, sản xuất nấm theo mô hình tổ hợp tác để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Loại nấm mà HTX tập trung trồng là nấm mèo. Đây là giống nấm khá khó tính. Sau khi nghiên cứu đặc tính và điều kiện sinh trưởng cũng như học hỏi kinh nghiệm từ nhiều địa phương, các thành viên tổ hợp tác đã đầu tư các trại nấm được làm bằng sắt, có các giàn cứng cáp để treo bịch nấm và lưới đen bọc xung quanh.

Tổ hợp tác cũng đầu tư giàn phun sương, khi thời tiết quá nóng sẽ chạy giàn phun nhằm đảm bảo nhiệt độ trong nhà nấm luôn luôn ổn định. Việc đầu tư chỉn chu thay vì chỉ trồng trong các nhà tạm bợ được các thành viên giải thích là để bảo đảm môi trường nuôi nấm mèo lâu dài.

Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... nên các thành viên luôn chú trọng việc theo dõi, khắc chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của nấm và thực hiện đúng các quy trình, kỹ thuật để nấm được phát triển tốt.

-2912-1684383483.jpg

Nấm mèo đang là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Một kỹ thuật được các thành viên áp dụng khá thành công đó là hãm nước cho nấm 3 lần và cắt nước hoàn toàn 5-7 ngày để tai nấm khô quắt lại, sau đó, các thành viên sẽ tưới tiếp để cây nấm bung nở rồi mới thu hoạch. Điều này giúp tai nấm dày và to, đạt chuẩn xuất khẩu. Sau khi thu hoạch, bịch meo của nấm mèo được tổ hợp tác bán cho người có nhu cầu sơ chế lại để phục vụ trồng nấm bào ngư. Điều này không chỉ giúp giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường mà còn gia tăng nguồn thu cho người trồng nấm.

Đặc biệt, nhờ không sử dụng bất kỳ hóa chất nào để kích thích nấm nên nấm thương phẩm của HTX cung cấp ra thị trường luôn bảo đảm sạch 100%.

“Việc trồng nấm cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, nhất là việc ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi hay nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng... Vì thế, ngoài đòi hỏi có kỹ thuật tốt, người trồng phải kiên trì, thường xuyên theo dõi, cân bằng nước tưới, độ ẩm, giữ môi trường sản xuất sạch sẽ, không có các yếu tố gây bệnh hại nấm”, ông Ngô Văn Quỳnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác, chia sẻ.

Theo tính toán của các thành viên, khi áp dụng đúng kỹ thuật, đầu ra thuận lợi, mỗi nhà nấm có diện tích 1 sào có thể mang về lợi nhuận khoảng 200-250 triệu đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí.

Hướng đến phát triển thành HTX

Điều thuận lợi là từ khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất mà còn được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư nhà nấm. Nguồn giống được tổ hợp tác mua trực tiếp tại công ty ở Đồng Nai với số lượng lớn nên giảm được chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, tổ hợp tác cũng cử đại diện liên kết với đơn vị thu mua sản phẩm, bảo đảm nấm xuất ra thị trường ổn định về đầu ra, giá cả.

Từ khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên đều thấy trồng nấm cho thu nhập ổn định và khá hơn trồng chè. Điều kiện làm việc cũng không quá khắc nghiệt và không phải đi xa quê hương để lập nghiệp như nhiều người khác.

Nhìn thấy ưu điểm của mô hình tổ hợp tác nhưng vì chủ yếu vẫn xuất bán cho thương lái và dù có xuất khẩu nhưng cũng chỉ theo hình thức tiểu ngạch hoặc thông qua người nhà với số lượng nhỏ. Chính vì vậy, các thành viên tổ hợp tác đang ấp ủ giấc mơ phát triển lên thành mô hình HTX.

Ông Ngô Văn Quỳnh cho biết, khi vào tổ hợp tác và đã liên kết được với một số đối tác, giá cả và đầu ra sản phẩm nấm ổn định nên thu nhập cũng bảo đảm cho thành viên.

Vậy nhưng, việc liên kết này cũng chỉ giúp nông dân giải quyết một phần khó khăn về giá cả và đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, việc tận dụng và nâng cao giá trị sản phẩm từ nấm thông qua sơ chế, chế biến vẫn chưa thể thực hiện được do nhiều yếu tố về vốn, xúc tiến thương mại... Thành viên cũng khó mở rộng diện tích vì sợ đầu ra chưa thực sự chắc chắn nên mỗi hộ chỉ duy trì 2-3 sào nhà nấm.

Chính vì vậy, các thành viên mong muốn từ tổ hợp tác sẽ thành lập một HTX chuyên trồng, chế biến nấm theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn hơn. Khi thành lập HTX sẽ tạo thuận lợi cho các thành viên xúc tiến thương mại để xuất khẩu nấm và thu hút thêm một số nguồn hỗ trợ, đầu tư vào sơ chế, chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, mong muốn của các thành viên là khi phát triển thành hợp tác xã sẽ kết nối được với các trang trại trồng nấm khác ở trong và ngoài tỉnh để đạt quy mô lớn hơn, đa dạng về chủng loại hơn. Lúc này HTX chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện sản xuất, chế biến theo quy trình đạt chuẩn để giải quyết bài toán về chất lượng và số lượng và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.

“Càng nhiều hộ trồng nấm, nguồn hàng càng dồi dào thì giá thu mua càng ổn định, có lợi cho tất cả nông dân trồng nấm và người tiêu dùng”, anh Hoàng Sỹ Giáp, thành viên tổ hợp tác chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả và những mục tiêu cụ thể của tổ hợp tác, chính quyền xã Lộc Tân đang tích cực động viên người dân tham gia mô hình này để hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho tổ hợp tác có thể phát triển thành hợp tác xã vào thời điểm nhất định. Bởi nếu phát triển lên mô hình kinh tế tập thể lớn hơn, sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi tại địa phương. Đồng thời giúp người dân sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo VN Business