Công nghệ cao góp phần giảm nghèo bền vững

|

Thời gian qua, nhiều HTX, tổ hợp tác ở Ninh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; đưa các giống cây trồng, con giống có giá trị kinh tế vào nuôi trồng... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho thành viên.

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều giảm qua các năm, từ 3,07% năm 2021 xuống còn 2,36% năm 2022 và ước hết năm 2023 chỉ còn 2,11%

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Để hoàn thành mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó, hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

-7175-1703693297.jpg

HTX Yến sào Huân Hòa đang có 10 nhân công lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng, tùy vào tay nghề của từng người.

Được thành lập từ cơ sở sản xuất theo hộ, HTX nuôi và chế biến Yến sào Huân Hòa (huyện Yên Mô) nhanh chóng chuyển đổi phương thức sản xuất, đưa máy móc hiện đại vào các khâu đoạn để tăng chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, để tăng số lượng đàn yến, việc cải thiện môi trường nuôi được chú trọng bằng thiết bị tạo mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên đến nay, HTX thu hoạch trên 3kg yến thô mỗi tháng, cung cấp ra thị trường các sản phẩm như: Yến tươi, yến thô, yến tinh chế, yến hũ cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước 20-30%.

Bà Phạm Thị Hòa, Giám đốc HTX Yến sào Huân Hòa cho biết: “Hiện nay, HTX đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại để sản xuất dây chuyền yến khép kín. HTX đang có 10 nhân công lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng, tùy vào tay nghề của từng người. Thời gian tới, HTX sẽ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nhiều công ăn việc làm cho công nhân”.

Tương tự, HTX Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm và đang gặt hái những thành quả xứng đáng. Hiện nay, HTX có nhà xưởng trồng nấm lên đến 4.000m2, với các máy móc công nghệ cao như: hệ thống tưới thông minh, hệ thống chiếu sáng, máy nghiền nguyên liệu, máy trộn nguyên liệu, lò hấp sấy thanh trùng. Các loại cây dược liệu của HTX đang sản xuất như: Trạch tả, bạch chỉ, nghệ đỏ, ngưu tất, Huyền sâm, nấm Linh chi… đã có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đại diện HTX cho biết để đạt được kết quả trên, đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững kỹ thuật, lấy khoa học kỹ thuật làm then chốt. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của nấm, tùy từng điều kiện thời tiết để điều chỉnh môi trường thích hợp cho cây nấm phát triển.

Nhờ có quy trình sản xuất hiệu quả và chất lượng, cũng như có đầu ra đảm bảo ổn định mà cuộc sống và thu nhập của thành viên HTX nấm và dược liệu xã Khánh Công ngày càng khấm khá. Thu nhập trung bình hàng tháng của thành viên HTX đạt 6-8 triệu đồng/người.

Nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân

Có thể thấy, mô hình kinh tế hợp tác đang trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đi cùng với đó là chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác ngày càng được nâng lên, quy mô được mở rộng, hình thức hoạt động đa dạng hơn. Các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 480 HTX, 2 Liên hiệp HTX, 515 tổ hợp tác, có 100% HTX thuộc diện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã thực hiện chuyển đổi, trong đó có 70% HTX có chuyển biến rõ nét, hiệu quả được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt khoảng hơn 200 triệu đồng/ thành viên.

-6901-1703693297.jpg

Sản phẩm của HTX Sản xuất thủ công mỹ nghệ Minh Châu được làm thủ công hoàn toàn, đảm bảo được tính chất thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy.

HTX Sản xuất thủ công mỹ nghệ Minh Châu (huyện Kim Sơn) chuyên sản xuất sọt đựng đồ, túi xách, đồ trang trí, treo tường… bằng cói. Các sản phẩm được người tiêu dùng các nước châu Âu, Trung Quốc… ưa chuộng. Doanh thu hàng năm ước đạt khoảng 25 - 30 tỷ đồng. Đến nay, HTX đang tạo công ăn việc làm cho 25 thành viên với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Trước đây, công việc mang lại thu nhập chính cho bà Lê Thị Xuyến là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi HTX Sản xuất thủ công mỹ nghệ Minh Châu được thành lập, bà đã tham gia làm việc tại HTX và gắn bó được 4 năm. Công việc nhẹ nhàng, ổn định với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, nên bà rất phấn khởi. “Nhờ có việc làm thường xuyên nên đời sống kinh tế của gia đình ổn định, có dư để mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong nhà”, bà Xuyến vui vẻ nói.

Mỗi năm tạo hơn 1.000 việc làm mới cho người lao động

Hiện nay, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được coi là nòng cốt giúp các HTX phát triển, nên những năm qua, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, của Liên minh HTX trong thực hiện chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Có thể nói, sự đổi mới, nhạy bén của các HTX là điều kiện để các thành viên, người lao động có cơ hội tiếp xúc với những máy móc, kỹ thuật hiện đại tiên tiến. Qua đó nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất. Hiện nay, các HTX còn chú trọng trong việc tạo ra môi trường lao động an toàn, đảm bảo về sức khỏe để thu hút đông đảo người lao động tham gia, gắn bó lâu dài với công việc.

Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, HTX thu hút hơn 337 nghìn thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân tham gia. Hàng năm tạo hơn 1.000 việc làm mới cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn. Có 2 Liên hiệp HTX và trên 60 HTX có các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh thu thu nhập của HTX và người lao động khu vực kinh tế tập thể đều tăng.

Năm 2022, tổng giá trị tài sản của HTX đạt hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 6% so với đầu nhiệm kỳ năm 2020); doanh thu bình quân năm 2022 của HTX đạt hơn 5.500 triệu đồng/HTX (tăng 7% so với đầu nhiệm kỳ). Thu nhập bình quân của HTX đạt 265 triệu đồng/HTX (tăng 2,3% so với đầu nhiệm kỳ).

Thu nhập của người lao động trong HTX ước đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,26 lần so đầu nhiệm kỳ; thành viên tổ hợp tác thu nhập bình quân ước đạt 4,8 triệu đồng (tăng 1,52 lần so với đầu nhiệm kỳ), góp phần giảm nghèo bền vững.

Không chỉ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo, các HTX còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khi chủ động tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất từ hoạt động sản xuất đến chế biến sâu sản phẩm nông sản, làm tăng giá trị sản phẩm sản xuất ra và bảo đảm thị trường đầu ra ổn định cho nông sản, hàng hóa.

Theo VN Business