Đầu tàu dẫn dắt nông dân thoát nghèo
Mô hình kinh tế hợp tác đã giúp nhiều người dân có việc làm và thu nhập ổn định tại khu vực nông thôn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Điều này cho thấy hỗ trợ phát triển các HTX chính là góp phần thiết thực vào chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Với ngành kinh tế mũi nhọn là nông - lâm nghiệp, tỉnh Cao Bằng ưu tiên phát triển các trang trại, kinh tế tập thể, HTX sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa. Các HTX đang từng bước thay đổi diện mạo của nhiều vùng nông thôn ở Cao Bằng.
Đảm bảo thu nhập ổn định
Điển hình như HTX Án Lại (xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An) với mô hình phát triển vùng nguyên liệu dong riềng, sản xuất tinh bột để vừa giữ gìn nghề làm miến truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình.
Các HTX đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân tại địa phương. |
Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, HTX Án Lại đã xây dựng được nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất. Cùng với nghề sản xuất miến dong, cây dong riềng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Không những thế, HTX Án Lại còn bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hơn 200 hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Các hộ thành viên của HTX Án Lại và khoảng 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Hay nói tới vai trò trong công tác giảm nghèo không thể không kể tới HTX nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, đơn vị tiêu biểu trong trồng nấm hương hữu cơ tại thành phố.
Mô hình trồng nấm hương của HTX nông nghiệp Yên Công đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhờ sản xuất sạch, nấm hương của HTX luôn có hương vị thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà Tạ Thị Thu Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Công cho hay, sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, trong quá trình sản xuất được HTX quan tâm, chú trọng xử lý tốt các khâu để nuôi cấy nấm hiệu quả nên chất lượng nấm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Giảm nghèo bền vững
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đa dạng, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Năm 2017, HTX Nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng được thành lập với tôn chỉ ba sạch: “Sản xuất sạch - Phân phối sạch - Tiêu dùng sạch”. Từ khi thành lập, HTX xác định sản xuất nông nghiệp phải luôn gắn liền với người nông dân, đồng hành với người nông dân trong việc thay đổi phong tục tập quán canh tác lạc hậu, tư duy phát triển kinh tế.
Từ vài chục tấn nông sản bao tiêu năm 2017, đến nay HTX bao tiêu hàng nghìn tấn nông, đặc sản các loại; toàn tỉnh có hàng nghìn hộ dân tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng nông sản cho HTX. HTX tạo việc làm thời vụ cho 25 - 30 lao động địa phương với mức lương trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo chia sẻ: Thời gian đầu, khó khăn nhất của HTX là việc kết nối thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường nên dần HTX đã kết nối được với các kênh phân phối lớn, đảm bảo thị trường đầu ra cũng là đảm bảo tiên quyết nguồn thu nhập cho các thành viên HTX.
Theo ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, để tạo động lực cho HTX kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp giai đoạn mới như củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên HTX.
Với những thành công ban đầu, các HTX nông nghiệp ở Cao Bằng đang là “hạt nhân” quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đến hết năm 2022, tỉnh Cao Bằng còn trên 37.400 hộ nghèo, chiếm 29%, giảm 5.179 hộ nghèo, tương đương 4,13%, đạt 103% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu chỉ tiêu giảm nghèo đạt tỷ lệ 4%; trong đó sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác giúp người dân cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [09/01/2023] HTX NTTS du lịch Vân Phong hướng đến liên kết với các trường, viện, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ lồng khung HDPE vào nuôi biển công nghệ cao
- [22/02/2022] Đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã
- [27/12/2021] Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã dịch vụ bảo vệ môi trường
- [21/07/2021] Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương
- [29/06/2021] Biểu dương, nhân rộng các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả