Đem cây dại về trồng, nông dân Chợ Đồn bán được cả chục triệu đồng/kg
Trà hoa vàng vốn là loài cây mọc dại nhưng được mệnh danh là nữ hoàng của các loại trà có giá đắt đỏ. Theo đó, thay vì hái trong tự nhiên để bán cho tư thương, nhiều nông dân ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã chuyển hướng đem về trồng trên diện tích canh tác, đầu tư máy móc chế biến nhằm nâng cao giá trị gấp nhiều lần.
Vài năm gần đây, trà hoa vàng nổi lên như là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ tại tỉnh Bắc Kạn. Ban đầu trà hoa vàng chủ yếu được người dân hái trong tự nhiên để bán cho tư thương, nhưng hiện nay đã được ươm giống và trồng thành sản phẩm hàng hoá.
Giá trị từ vài trăm nâng lên hơn 10 triệu đồng/kg
Năm 2015, chị Dương Khánh Ly đến định cư tại thôn đồng bào dân tộc Dao Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Khi ấy, thôn bắt đầu mới có điện, nhưng đường còn gập ghềnh bùn đất. Đời sống bà con nơi đây rất khó khăn, họ chủ yếu sống dựa vào khai thác lâm sản từ núi rừng.
Chị Ly cho biết, những tán rừng rộng lớn ở Nghĩa Tá có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm, đặc biệt là cây trà hoa vàng, một loại dược liệu quý. Tuy nhiên, do người dân nơi đây chưa hiểu hết giá trị của Trà hoa vàng nên thường chỉ tìm hái về bán cho thương lái với giá rất rẻ. Trung bình mỗi cân trà hoa vàng tươi chỉ có giá trị 200 - 300 nghìn đồng. Cây giống trà hoa vàng cũng chỉ được mua với giá 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/cây.
Hiểu rõ tiềm năng rất lớn của trà hoa vàng và những thiệt thòi của người dân nếu không có hướng phát triển phù hợp, chị Ly trăn trở làm sao để loài cây quý hiếm này có được thương hiệu xứng đáng với giá trị của nó. Tháng 9/2019, chị Dương Khánh Ly mạnh dạn đề xuất ý tưởng với một số người dân trong thôn, cùng nhau đứng ra thành lập HTX Hòa Thịnh chuyên sản xuất Trà hoa vàng, chị Ly giữ vai trò là Phó Giám đốc có trách nhiệm đứng ra thu mua và tổ chức dây chuyền sản xuất sấy khô trà hoa vàng.
Khi việc sản xuất dần ổn định và cho thu nhập bước đầu, tháng 5/2021, chị Ly tiếp tục đứng ra thành lập HTX Nông lâm Nghĩa Tá, với trên 10 thành viên, chủ yếu là người dân trong thôn Bản Bẳng.
Xác định sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng, HTX đầu tư máy sấy hơn 100 triệu đồng và tỉ mỉ nghiên cứu, thử nghiệm sấy khô những mẻ trà hoa vàng chất lượng cao. Để tạo hướng phát triển lâu dài, chị Ly đứng ra thu mua, đồng thời vận động bà con trong thôn cùng giâm hom và trồng được 1,5ha, với tổng số trên 3 nghìn cây trà hoa vàng, quy hoạch trồng trọt, sản xuất bài bản, nâng cao giá trị sản phẩm cho Trà hoa vàng, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Hiện mỗi cân Trà hoa vàng sau khi sấy khô có giá khoảng 12 triệu đồng.
Khuyến khích chế biến sâu
Chị Ly chia sẻ: Trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng như làm trà, lấy gỗ, cũng có thể làm cây trồng tầng dưới ở vùng rừng phòng hộ hoặc làm cây cảnh. Trong đó, trà hoa vàng là đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch...
Sản phẩm trà hoa vàng thu hút khách hàng trong và ngoài nước. |
Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm 5ha diện tích trồng, tiếp tục thu mua hoa tươi và chế biến túi lọc Trà hoa vàng, tạo thị trường để đưa sản phẩm đi xa hơn, góp phần đồng hành cùng bà con phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Với giá trị dược liệu cao, chè hoa vàng ngày càng được giới y học quan tâm nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Tại huyện Chợ Đồn, cây chè hoa vàng phân bố ở các xã phía Nam như Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ; phía Đông như Đồng Thắng, Phương Viên... Sản phẩm Chè hoa vàng của HTX Hòa Thịnh (Nghĩa Tá) đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Mặc dù đã có kết quả bước đầu nhưng để phát triển cây trà hoa vàng rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm. Những năm gần đây, thấy được hiệu quả từ khai thác chè hoa vàng, người dân đã trồng tự phát loại cây này với diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún; chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; mật độ trồng, bón phân, cắt tỉa và chăm sóc… chưa hợp lý.
Một số địa phương đã trồng chè hoa vàng như xã Bình Trung, Đồng Thắng, tuy nhiên chưa xây dựng được chuỗi giá trị cho sản phẩm, mà chủ yếu bán hoa tươi cho các tư thương; giá bán không ổn định (dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg nụ hoa tươi).
Điều này cho thấy, cần phát triển trà hoa vàng theo chuỗi ngành hàng gắn với HTX, doanh nghiệp. Theo đó, các HTX, doanh nghiệp đã tổ chức thu mua và chế biến. Đây chính là sự liên kết bền vững giữa "bốn nhà" để dần đưa thương hiệu trà hoa vàng Bắc Kạn lên tầm cao mới.
Là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao nên huyện Chợ Đồn đã triển khai đề án hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng cây chè hoa vàng giai đoạn 2023 - 2026. Theo đó, những năm tới, huyện Chợ Đồn sẽ phát triển thêm khoảng 30ha, trồng chủ yếu ở các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Đồng Thắng.
Huyện Chợ Đồn đã ban hành đề án, thời gian tới sẽ hỗ trợ người dân để mở rộng diện tích và xây dựng chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm. Để phát triển ổn định cây dược liệu quý này, tỉnh Bắc Kạn cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chế biến sâu thành những sản phẩm chất lượng cao.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [05/05/2023] HTX tự phối trộn thức ăn chăn nuôi: Chuyện không dễ
- [04/05/2023] HTX thanh long Thuận Tiến: Chinh phục thị trường châu Âu, nâng cao thu nhập cho thành viên
- [04/05/2023] Chuỗi liên kết chanh dây giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu
- [04/05/2023] HTX trước xu hướng 'healthy food'
- [04/05/2023] Chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao ở Thủ Thừa