Điểm sáng trong phong trào nông dân
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân huyện Diên Khánh nổi bật với kinh tế tập thể và liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao và bền vững. Thành quả ấy đến từ tinh thần đoàn kết, tiên phong của các hội viên, nông dân, sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện.
Hình mẫu của kinh tế hợp tác
Từ lâu, Diên Khánh nổi tiếng với những ruộng lúa trĩu hạt, năng suất cao và sản xuất đồng bộ. Các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nơi đây là hình mẫu trong bước chuyển của kinh tế hợp tác kiểu cũ sang kiểu mới. Toàn bộ quy trình sản xuất, dịch vụ cung ứng cho thành viên từ khâu cải tạo đất, gieo giống, chăm sóc, thủy lợi, thu hoạch, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đều do các HTX, tổ hợp tác đảm nhận. Hàng nghìn héc-ta lúa nơi đây hầu hết đều được sản xuất theo đơn đặt hàng sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao.
Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Lộc (xã Bình Lộc) tổ chức sản xuất cho thành viên. |
Theo ông Phạm Mạnh Hoài - Chủ tịch HND huyện, có được thành quả ấy, yếu tố đoàn kết, chung lòng của các hội viên, nông dân đóng vai trò quyết định. Truyền thống đáng quý đó được các cấp HND của huyện không ngừng củng cố, phát huy trong hội viên, nông dân thông qua việc hình thành và hoạt động có hiệu quả các tổ hợp tác. Nhiệm kỳ qua, HND huyện đã thành lập mới 2 HTX, 21 tổ hợp tác và 62 chi tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề nông thôn. Không chỉ lớn mạnh về số lượng, các HTX, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp ở Diên Khánh còn hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm cho thành viên, hội viên, nông dân. Đây đồng thời là nơi để nông dân học tập, áp dụng với phương châm “nông dân dạy cho nông dân”, “nông dân học nông dân”, điển hình như các tổ hợp tác: Nuôi bò sinh sản ở xã Bình Lộc; trồng mía ở xã Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Tân; trồng hoa cây cảnh ở xã Suối Tiên; trồng lúa giống ở xã Diên Hòa, Diên Thạnh, thị trấn Diên Khánh; trồng ngò gai ở xã Diên Phú; sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao RVT ở xã Diên Tân; trồng bưởi da xanh ở xã Diên Xuân, Diên Đồng; nuôi cá trê lai ở xã Diên Điền; trồng mía nước chất lượng cao ở xã Diên Phước...
Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Cốt lõi trong các phong trào nông dân đó là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. 5 năm qua, toàn huyện có gần 56.000 lượt hộ nông dân đăng ký và đến hết năm 2022 có gần 46.000 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, có khoảng 10.000 hộ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, 850 hộ thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, 240 hộ có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. So với nhiệm kỳ trước, số hộ có mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Theo ông Phạm Mạnh Hoài, qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn như hộ ông Lê Văn Nhân (xã Diên Điền) học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc về áp dụng vào mô hình trồng nấm, lúa, nuôi cá, gà kết hợp dịch vụ cày đất, thu hoạch lúa, rơm; hộ ông Trần Ngọc Thảo (xã Suối Tiên) sản xuất nấm rơm phủ bạt; hộ ông Nguyễn Chí Phong (xã Diên Thạnh) trồng bưởi cảnh; các hộ ông Nguyễn Văn Quang (xã Diên Tân), Đỗ Thế Năng, Võ Duy Hải (xã Diên Thọ) trồng bưởi da xanh, xoài Úc; mô hình nuôi ong dú của hộ ông Lê Duy Vũ (xã Diên Sơn); sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao RVT của ông Nguyễn Xuân Trường (xã Diên Tân)…
Nhiều hộ nông dân còn nghiên cứu, sáng chế máy móc ứng dụng vào sản xuất, như: Ông Trần Đức Mạnh (xã Suối Hiệp) chế tạo máy cuốn rơm; ông Trần Đăng Hải (xã Diên Hòa) chế tạo máy tráng bánh tráng; ông Diệp Thế Mỹ (xã Diên Toàn) chế tạo máy lột vỏ cây bạch đàn...
Đồng hành với hội viên, nông dân
Nhiệm kỳ qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp với nhiều công ty phân bón, thức ăn chăn nuôi để cung ứng hơn 1.550 tấn phân bón, hơn 150 tấn thức ăn gia súc, 2.150 tấn giống, hơn 150 tấn thuốc bảo vệ thực vật, gần 200 máy nông nghiệp… trị giá hàng trăm tỷ đồng; tổ chức hàng ngàn lượt trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho hơn 5.500 lượt hộ hội viên, nông dân. Bằng việc hỗ trợ vốn, giống, vật tư, ngày công..., các cấp HND đã phối hợp giúp đỡ gần 1.000 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 36 hộ nông dân.
Giai đoạn tới, HND huyện tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân, xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng hành, hỗ trợ, chăm lo đời sống sản xuất, vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho hội viên, nông dân...
Bà HÀ HỒNG HẠNH - Chủ tịch HND tỉnh: Nhiệm kỳ qua, HND huyện Diên Khánh thực hiện có hiệu quả các phong trào nông dân; làm tốt hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân; phối hợp với các ngành tập huấn, chuyển giao khoa học tiến bộ cho hội viên, nông dân. Các hoạt động của hội đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc của hội viên, nông dân. ____________________________________
|
Theo Báo Khánh Hòa
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [06/04/2023] Nông sản HTX mở đường vào chuỗi bán lẻ hiện đại
- [06/04/2023] Đầu tàu dẫn dắt nông dân thoát nghèo
- [09/01/2023] HTX NTTS du lịch Vân Phong hướng đến liên kết với các trường, viện, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ lồng khung HDPE vào nuôi biển công nghệ cao
- [22/02/2022] Đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã
- [27/12/2021] Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã dịch vụ bảo vệ môi trường