'Đòn bẩy' kinh tế hợp tác 'mở lối' đi lên cho người dân Đạ Tẻh

|

Để mở lối đi cho người dân nâng cao thu nhập, cũng như kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và thoát nghèo bền vững, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhất là tạo 'đòn bẩy' cho kinh tế hợp tác hình thành mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hiện nay diện tích dâu tằm ở huyện Đạ Tẻh đạt gần 1.500 ha. Trong đó, “cái nôi” của tằm Đạ Tẻh là xã Đạ Pal. Tại xã này, để “mở lối” phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm bền vững hơn, năm 2023, chính quyền huyện đã hỗ trợ HTX nông nghiệp và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal mua 22 cái máy lạnh để thí điểm nuôi tằm trong nhà lạnh tại 13 hộ gia đình. Các hộ tự đầu tư chi phí sửa sang nhà tằm. 
“Bước chân mở lối” Đạ Pal
Qua đánh giá sơ bộ, bước đầu mô hình thí điểm này đã đem lại hiệu quả, tỷ lệ tằm hao hụt giảm từ 5 – 10%, sản lượng và chất lượng kén tăng trên 5%, giá bán kén tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
-9480-1703821407.jpg

HTX nông nghiệp và dịch vụ dâu tằm Đạ Pal được chính quyền huyện Đạ Tẻh hỗ trợ thí điểm nuôi tằm trong nhà lạnh.

Là một thành viên HTX, anh Nguyễn Văn Trung (thôn Xuân Thượng, xã Đạ Pal) đang nuôi 2,5 hộp tằm giống. Với diện tích nhà tằm 80m2, anh Trung lắp 2 máy lạnh và 3 quạt hút mùi, 2 quạt cây. Gia đình anh được hỗ trợ 18 triệu đồng/2 máy lạnh.
Theo anh Trung, việc lắp điều hòa nhiệt độ trong nhà nuôi tằm để khắc phục những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, đảm bảo môi trường thuận lợi cho tằm sinh trưởng và nâng chất lượng kén tằm.
Còn theo ông Phạm Thành Lâm, Giám đốc HTX, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của mô hình và hỗ trợ mở rộng nếu như các thành viên có nhu cầu và hy vọng rằng mô hình sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới để giúp người nuôi tằm ổn định hơn.
“Bước chân mở lối” ở xã Đạ Pal còn có thể thấy tại HTX Cây ăn trái xã Đạ Pal. HTX này đang được hỗ trợ để thực hiện Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng tại địa phương. Theo đó, HTX xây dựng vùng sản xuất sầu riêng tập trung, hình thành mối liên kết, hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, đảm bảo tính ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế. 
Dự án tổ chức liên kết sản xuất sầu riêng với diện tích 20,2 ha/13 hộ dân là thành viên của HTX, diện tích đang cho thu hoạch là 16,8 ha, sản lượng đạt 252 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2025, HTX sẽ ký kết hợp đồng tiêu thụ trên 30 hộ nông dân với tổng diện tích trồng sầu riêng trên 45 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 20,2 ha, sản lượng ước đạt 303 tấn/năm. 
Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 700 triệu đồng, kinh phí đối ứng của HTX và các hộ dân tham gia liên kết là trên 1,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí sẽ dành để đào tạo, tư vấn, tập huấn cho nông dân, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động cho 20,9 ha và hỗ trợ 3.349 cây giống sầu riêng để trồng 20,9 ha tham gia liên kết (định mức là 160 cây/ha). 
Tạo liên kết chuỗi ở Đạ Lây
Ngoài dự án nêu trên, thời gian gần đây huyện Đạ Tẻh đã phê duyệt Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng 500 tấn năm 2025. 
-7980-1703821407.jpg

Người dân ở Đạ Lây cùng HTX Nông nghiệp dịch vụ sầu riêng Hương Sơn tham gia vào Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng 500 tấn năm 2025. 

Theo đó, chủ trì dự án là HTX Nông nghiệp dịch vụ sầu riêng Hương Sơn ở thôn Sơn Thủy, xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) liên kết 12 hộ sản xuất 33 ha diện tích sầu riêng gắn với tiêu thụ, sản lượng thu hoạch đạt 336 tấn trong năm 2023. Đến năm 2025, HTX tiếp tục ký kết hợp đồng với 20 hộ nông dân sản xuất trên 70 ha sầu riêng, tiêu thụ sản lượng ước đạt khoảng 500 tấn.
Dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường và thiết lập hợp đồng với các hộ tham gia liên kết…
Ở xã Đạ Lây, những năm qua chính quyền địa phương đã cùng người dân phát huy thế mạnh đất đai để trồng trọt, chăn nuôi, đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Trong xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 3.496 ha. Người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vườn điều già cỗi đã được chuyển thành vườn trái cây trĩu quả như: bưởi da xanh, mít thái, sầu riêng…
Xã Đạ Lây hiện có 3 HTX về nông nghiệp và 5 tổ hợp tác. Hồi năm rồi xã đã vận động thành lập mới 2 HTX sầu riêng, thông qua đó để đăng ký mã vùng trồng cho cây sầu riêng. Có thể nói, nhờ đa dạng sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà người dân ở xã đã có nhiều thay đổi về thu nhập, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. 
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Đạ Lây đạt 55 triệu đồng/người/năm. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tham gia vào kinh tế hợp tác đã giúp tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm rõ rệt, đến nay xã chỉ còn 26 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,75%).
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thời gian qua huyện Đạ Tẻh đã triển khai nhiều dự án liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế hợp tác nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể đem lại hiệu quả thiết thực. Việc thành lập các HTX, tổ hợp tác không chỉ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động mà còn giúp người dân địa phương yên tâm khi hàng hóa được bao tiêu đầu ra.
Đơn cử như tại xã Mỹ Đức có HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ trái cây xã Mỹ Đức. HTX này được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Giúp dân thoát nghèo bền vững
Đây là thành quả của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ trái cây xã Mỹ Đức trong quá trình nỗ lực liên kết sản xuất với chuỗi giá trị sản xuất, cung cấp khép kín các sản phẩm sầu riêng và bưởi da xanh ra thị trường. Đồng thời, HTX có 100% thành viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 1 hộ là tỷ phú, 12 hộ giàu, còn lại toàn hộ khá.
-7928-1703821407.jpg

Sản phẩm bưởi da xanh của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ trái cây xã Mỹ Đức đã được xếp hạng OCOP 4 sao.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế cho thành viên, HTX này còn tích cực giúp đỡ bà con, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn hơn về vốn, cây giống, giúp đỡ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, bưởi da xanh. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 hộ đồng bào dân tộc gốc địa phương với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hướng đến xuất khẩu, hiện nay, HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ trái cây xã Mỹ Đức đã đăng ký tham gia xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng với Công ty TNHH B'LaoFood, quy mô 65 ha với 30 hộ dân liên kết. Đồng thời, HTX đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các phương án để canh tác bưởi đúng tiêu chuẩn với hy vọng đưa được loại trái ngọt sang thị trường cao cấp này. 
Ông Phạm Văn Xã, Giám đốc HTX cho biết, đến thời điểm hiện tại, HTX đã phát triển lên đến 30 thành viên, với tổng diện tích canh tác cây ăn trái các loại là 65 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 25 ha. Thu nhập bình quân của các thành viên đạt 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó, có một hộ là tỷ phú với thu nhập bình quân đạt gần 4 tỷ đồng/năm, 12 hộ giàu với thu nhập đạt từ 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm, còn lại là toàn hộ khá. 
Cách đây 3 năm, toàn bộ diện tích canh tác cây ăn trái của các thành viên trong HTX đều đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và có tem truy xuất nguồn gốc.
HTX Mỹ Đức và các thành viên thường xuyên được tiếp cận các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham dự các hội thảo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, hướng đến tiêu chuẩn GlobalGap, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP... Qua đó, đến nay, sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã được xếp hạng OCOP 4 sao, sầu riêng đạt hạng 3 sao. 
Có thể nói với hỗ trợ tích cực để phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp như hiện tại đã và đang giúp cho đời sống của người dân Đạ Tẻh ngày càng nâng lên, kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ nghèo đa chiều, bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chung toàn huyện đã giảm xuống còn 3,27%; trong đó giảm tỷ lệ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xuống còn 5,15%. 
Để giúp người dân thoát nghèo bền vững hơn nữa, huyện Đạ Tẻh đã đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số lên 30 HTX, bình quân tăng trưởng khoảng 8%/năm. Trong đó, HTX khá, giỏi chiếm trên 60%, không còn HTX tồn tại hình thức. Huyện cũng phấn đấu trong 2 năm tới, sản xuất nông nghiệp có hơn 20% HTX ứng dụng công nghệ cao và có ít nhất 35% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
                                                                                 Theo VN Buisness