Giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

|
Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai tích cực trong bối cảnh mới của thế giới có nhiều biến động. Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển trong thế kỷ XXI mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế.

rong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam gần đây đã ký kết và đang thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hoặc các FTA song phương mà Việt Nam đang thực hiện đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, HTX trong nền kinh tế.

Hầu hết các HTX trong hệ thống của Liên minh HTX Việt Nam không xuất khẩu trực tiếp. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trong hệ thống, hiện phần lớn các HTX chưa trực tiếp ký kết các văn kiện, thỏa thuận, hợp đồng với đối tác nước ngoài trong khuôn khổ thực thi FTA mà Việt Nam là thành viên. Hầu hết các HTX trong hệ thống của Liên minh HTX Việt Nam không xuất khẩu trực tiếp; một số ít HTX có thể xuất khẩu trực tiếp như tại tỉnh Bạc Liêu hiện có 01 HTX xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài (HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) với mặt hàng Trứng Artemia; thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Thái Lan, Nhật Bản, một số nước châu Âu.

Còn tại tỉnh Tiền Giang trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có HTX Mỹ Tịnh An sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP do tổ chức Biocert cấp với tổng diện tích hơn 100 ha, sản xuất dừa theo tiêu chuẩn Global GAP do tổ chức Agro Managament của Đan Mạch cấp10 ha. Hai mặt hàng này HTX xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 hơn 1.000 tấn, doanh thu gần 20 tỷ đồng. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp với 06 HTX sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu trong đó có các HTX nổi bật như: HTX Quang Minh, HTX Bình Minh, HTX Nhất Trí với doanh thu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ của các HTX năm 2019 đạt gần 4,1triệu USD, trong đó cao nhất là HTX Quang Minh đạt 3,8 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là hàng thảm cói, chiếu cói, chiếu lục bình, khung sắt đan lục bình, khung sắt đan dây nhựa …

Theo ý kiến nhận định của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, việc ký kết và tham gia các FTA sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Liên minh HTX một số tỉnh, thành phố cho rằng lợi ích đối với Việt Nam khi tham gia FTA thể hiện rõ nhất ở cơ hội hoàn thiện pháp luật trong nước theo các cam kết mới. Những nước đang phát triển khi tham gia vào các FTA thế hệ mới thường có hệ thống pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu của luật chơi chung. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các cam kết trong các FTA chủ yếu đòi hỏi các nước thành viên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan cho phù hợp với cam kết chung, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi.

Việc ký kết và tham gia các FTA sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Ảnh: TTX

Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã từng bước thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến tình hình, tiến trình đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đầu tư song phương giữa ASEAN và Hồng Kông (AHKFTA), Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và các Hiệp định thương mại khác cho cán bộ viên chức cơ quan và các đơn vị HTX thành viên. Từ đó giúp cho các HTX trong toàn hệ thống nâng cao nhận thức và tăng khả năng cạnh tranh trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bước đầu đã giúp HTX, các đối tác liên kết với HTX trong toàn hệ thống có nhiều thuận lợi trong mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế; được miễn, giảm thuế, giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, nâng giá trị sản phẩm... Tuy nhiên, theo ý kiến của một số Liên minh HTX tỉnh, thành phố, yêu cầu về tiêu chuẩn lao động của đối tác với các HTX nghiêm ngặt hơn (đảm bảo quy định về thuê lao động: tuổi, BHXH, BHYT...); HTX phải chứng minh được diện tích sản xuất, trồng trọt, vùng nuôi... tạo ra sản phẩn cung cấp cho đối tác xuất khẩu... Đây cũng là sức ép buộc các HTX phải tích cực thực hiện nghiêm chỉnh các quy định liên quan trong hoạt động của HTX.

Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thế hệ mới, thời gian tới, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

  1. Đối với Đảng, Chính phủ và Quốc hội:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với thành phần kinh tế tập thể, chế độ sở hữu tập thể; việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án, đối tác phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; chú trọng hướng phát triển bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực; tăng cường công tác kiểm soát các doanh nghiệp FDI. 

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh.

- Xây dựng và quy hoạch, đồng bộ hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.  

- Kết nối và liên kết doanh nghiệp với HTX thông qua các chương trình kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp với HTX trong nước và trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm; Khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên: Doanh nghiệp, HTX – Viện, trường  - Cơ quan quản lý Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp, HTX.

  1. Đối với các bộ, ngành trung ương

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tập huấn và tư vấn cho HTX về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư theo thị trường, ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước của HTX; Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai các hoạt động hỗ trợ HTX.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai các hoạt động hỗ trợ HTX. Ảnh: TTX

- Đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm của HTX xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng, tạo điều kiện xúc tiến thương mại để các HTX được tham gia tiếp cận thị trường xuất khẩu.

  1. Đối với doanh nghiệp, HTX

- Tăng cường liên kết, đổi mới quản trị HTX, chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; triển khai mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại; hài hòa khai thác thị trường truyền thống và thị trường mới.

- Cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực, sớm có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao; cần sớm tổ chức bộ máy chuyên trách để tìm hiểu kỹ các quy định của các FTA; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Liên minh HTX Việt Nam