Giảm áp lực đầu ra cho trái mận
Việc các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mận hậu ở Sơn La không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất mà còn giúp loại nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường.
Mận là một trong những nông sản có thời gian thu hoạch ngắn nhưng sản lượng lớn. Dự báo sản lượng mận năm 2023 của tỉnh Sơn La là khoảng 90.000 tấn. Nhiều năm liền, khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ sẽ xảy ra tình trạng tiêu thụ khó khăn, giá không cao.
Áp lực thị trường
Ông Đào Văn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ (huyện Vân Hồ) cho biết, sản lượng mận hậu trên địa bàn tỉnh hàng năm rất lớn, quá trình chăm sóc của người dân rất vất vả nhưng khi đến mùa thu hoạch vẫn gặp tình trạng rớt giá, đầu ra bấp bênh.
Đó là chưa kể có thời điểm, mận Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, giảm khả năng cạnh tranh của mận địa phương.
Theo ông Lâm, mận không chỉ trồng ở Sơn La mà còn trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nên sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm mận khác từ các nước, từ đó gây áp lực cho tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, giá các loại mận nhập luôn rẻ và phù hợp hơn so với mận Việt Nam.
Mận khi thu hoạch phải giữ được lớp phấn trắng mỏng bên ngoài mới được đánh giá cao về chất lượng. |
Một điều nữa là mận Sơn La đã được xuất khẩu nhưng số lượng chưa thực sự lớn. Nếu xuất sang Trung Quốc thì phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch. Còn khi xuất sang một số thị trường khác thì yêu cầu các chứng nhận nghiêm ngặt như an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật rất cao. Ngoài ra, vấn đề khó khăn trong xuất khẩu là khoảng cách địa lý xa sẽ khiến chi phí vận chuyển cao và khó bảo quản hơn. Trừ trường hợp xuất khẩu sang Campuchia có vị trí địa lý gần và yêu cầu không quá cao về đóng gói, bảo quản.
Theo các ngành chức năng, khi xuất khẩu mận sang một số thị trường, dù là gần như Singapore và Malaysia, mận của Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước như Trung Quốc, Úc… vốn có lợi thế về chất lượng, chi phí vận chuyển, hệ thống phân phối và thương hiệu lớn.
Bước ngoặt từ công nghệ
Sơn La là một tỉnh có diện tích và sản lượng mận lớn nhất cả nước, để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, có nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh chế biến nhằm đa dạng sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản.
Tuy nhiên, theo không ít HTX trồng mận, việc chế biến loại nông sản này dù đã được thực hiện nhưng chỉ giải quyết được một phần sản lượng. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng, máy móc của HTX chưa đồng bộ. Việc liên kết với doanh nghiệp để thực hiện chế biến làm nước ép cũng đã có nhưng do đặc thù mận có hạt cứng, ít thịt cộng với việc vận chuyển trên địa hình khó khăn nên chế biến chưa thực sự là giải pháp hoàn hảo. Nhiều sản phẩm chế biến của các HTX cũng tiêu thụ chậm do người tiêu dùng ưa chuộng mận tươi hơn.
Trước những phân tích về thị trường và đặc điểm sản phẩm, để giải quyết bài toán tiêu thụ, các HTX trồng mận đã tìm ra giải pháp bằng cách thực hiện ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật trong quá trình trồng để mận ra quả sớm, muộn và kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chẳng hạn như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát (huyện Yên Châu) đang phát triển 50 ha mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên đã áp dụng kỹ thuật tỉa tán, hạ cành, kích cho mận ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ mận.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, thời gian thu hoạch mận đã kéo dài khoảng 4-5 tháng thay vì chỉ tập trung vào một tháng như trước. Ngoải ra, một số thành viên trong HTX còn đầu tư thêm nhà lưới để hạn chế mưa đá tác động đến mận, tránh thất thu.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trung bình mỗi ha mận của HTX đạt sản lượng 25-30 tấn. Thu hoạch kéo dài cũng giúp HTX giảm áp lực mùa vụ, có thời gian tìm kiếm đối tác để cho giá trị kinh tế cao hơn. Ngay như vụ mùa năm nay, phải khoảng 1 tháng nữa mới có mận hậu chính vụ nhưng đến nay, một số vườn mận của thành viên HTX đã cho thu hoạch với giá tại vườn từ 70.000-110.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi, gấp ba so với vào chính vụ.
Còn tại HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu (Yên Châu) có diện tích 30 ha. Hai năm gần đây, các thành viên cũng áp dụng công nghệ cao vào chăm sóc vườn mận, như dùng hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt. Đi liền với đó là áp dụng tỉa cành, điều chỉnh lượng nước để mận ra quả rải rác từ mận trái vụ đến mận chín sớm, mận chính vụ và cuối vụ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, trước đây, người dân, HTX chỉ tập trung vào mở rộng diện tích, còn sản xuất, thu hoạch theo phương pháp truyền thống nên cây ra quả đúng theo mùa từ đó gặp những bất lợi nhất định trong khi tiêu thụ.
Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, mận ra hoa rải rác, thời gian thu hoạch dài hơn. Mận cũng có hình thức đẹp hơn, mọng nước, quả giòn ăn có vị chua ngọt xen lẫn nên dễ thuyết phục khách hàng hơn. Thậm chí, nhiều thương lái, doanh nghiệp săn đón ngay tại vườn với mức giá cao.
Trước những hiệu quả không nhỏ của việc ứng dụng khoa học công nghệ, các ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mận nhằm từng bước nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Ngoài hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, tỉnh cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức đánh giá cấp mã số vùng trồng cho các HTX, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [22/05/2023] HTX với bài toán giảm chi phí thủy lợi
- [22/05/2023] Trồng giống ổi trái mùa, nông dân Di Trạch thu cả tỉ đồng mỗi năm
- [22/05/2023] HTX đứng ngồi không yên vì tàu thuyền đến... tuổi 'nghỉ hưu'
- [22/05/2023] Kỷ niệm Ngày Chè thế giới 21/5: HTX chè đầu tiên ở Việt Nam có từ bao giờ?
- [17/05/2023] Tạo đòn bẩy cho sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp