Hiệu quả giảm nghèo từ trồng cây bản địa

|

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang tập trung chỉ đạo phát triển HTX trồng cây bản địa, đặc sản có tiềm năng hàng hóa lớn. Với mục tiêu nâng cao giá trị cây bản địa, các HTX đã mở hướng đi mới nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.

HTX cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) đã phát huy hiệu quả trồng và chế biến các sản phẩm đặc sản địa phương, kinh doanh các ngành nghề, như: Tắm lá thuốc; xông hơi, dịch vụ lưu trú; điều hành tour du lịch… Sau hơn 8 năm hoạt động, HTX đã phát huy được hiệu quả kinh tế từ cây bản địa mang lại thu nhập cao cho các thành viên.

Thoát nghèo từ sản vật địa phương

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thành viên cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, HTX cộng đồng Nặm Đăm đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định.

Từ đó, hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến dược liệu có doanh thu ngày một tăng, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, HTX đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như: Nhà tắm lá thuốc; hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000 m2; nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3 ha…

-3540-1703756878.jpg

HTX phát triển cây bản địa đã mở hướng đi mới nhằm xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX triển khai trồng từ 5 – 10 ha cây dược liệu, như: Đương quy; Huyền sâm; Kim ngân hoa; củ Hoành tinh; củ Dòm…

HTX sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao Atiso; cao củ Dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao Hà thủ ô; nước tắm thảo dược… trong đó có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP là cao Atiso và trà gừng Cao nguyên đá. Mỗi năm, HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động, khoảng 15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu động/người/tháng.

Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cho biết, cây dược liệu cho giá trị cao hơn các loại cây truyền thống nhưng lại khó trồng. Ban đầu, người dân trồng tự phát, không có kỹ thuật nên hiệu quả chưa được như dự tính.

Hiện nay, bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn GAP, giữ gìn môi trường chế biến an toàn, dược liệu bảo đảm không chứa tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất..., HTX cộng đồng Nặm Đăm còn chú ý tới việc bảo tồn, phát huy nguồn gen dược liệu quý bản địa.

Từ khi triển khai dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao”, HTX đã khắc phục được tình trạng “tuyệt chủng” của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác tận diệt, thu mua hàng loạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm.

Năm 2016, HTX kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai dự án Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao. “Vườn ươm bảo tồn nguồn gen hiện đảm bảo việc cung ứng giống dược liệu cho HTX và các hộ dân có nhu cầu. HTX cũng tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân với từng giống cây dược liệu có thể trồng trong vườn, trên ruộng hoặc dưới tán rừng để cung cấp nguyên liệu cho HTX”, anh Dèn cho biết.

Phát triển theo hướng hàng hóa

Bản Bướt là bản vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường và Dao. Hơn 90% sinh kế của dân bản phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản bản địa trước đây được người dân làm ra không có thị trường tiêu thụ lớn.

Chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269 chuyên về sản xuất măng nứa sấy khô chia sẻ, nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây măng, chị nung nấu ý định mở một đầu mối thu mua, sơ chế măng, tạo đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu quý tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc nơi đây.

"Tháng 3/2019, tôi bắt tay vào khởi nghiệp với HTX Tân Xuân 269. Những ngày đầu mới thành lập, tôi loay hoay tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật sơ chế măng để có sản phẩm đẹp, chất lượng đưa ra thị trường", chị Tâm cho biết.

Năm 2022, HTX đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 35%, cao gấp 2,5-3 lần so với trước đây.

Từ những ngày đầu thành lập với 18 thành viên, đến nay, HTX đã có khoảng 80 thành viên, sản phẩm làm ra của bà con không còn bị thương lái ép giá, lao động có thu nhập ổn định, dao động từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

-1978-1703756878.jpg

Phát triển cây trồng bản địa đã nâng cao giá trị nông sản, giúp xóa đói, giảm nghèo.

“Với mong muốn đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, HTX không chỉ tập trung vào sản phẩm chủ đạo là măng, mà còn trồng thêm những loại cây nông nghiệp khác là thế mạnh của địa phương như gạo nếp nương, cam, xoài, nhãn, gừng, sắn… theo tiêu chuẩn VietGAP để đa dạng thêm sản phẩm và thu nhập cho các thành viên”, chị Tâm chia sẻ.

Cây bản địa nuôi khát vọng làm giàu

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, song tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vì nguy cơ tái nghèo.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La giảm xuống còn 17,83%.

“Việc phát triển nông sản bản địa không chỉ phát huy lợi thế, điều kiện sản xuất từng địa phương, hình thành vùng nguyên liệu, mà còn góp phần chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung tuyên truyền để người dân, các HTX hiểu giá trị sản phẩm bản địa, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng kênh phân phối, qua đó nâng cao giá trị nông sản, giúp xóa đói, giảm nghèo”, ông Khánh cho hay.

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo chia sẻ, có thể khẳng định, trong 3 thập kỷ vừa qua, xoá đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5 %/năm, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

“Cùng với phát triển kinh tế từ cây trồng bản địa, hàng loạt chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể kinh tế của người dân”, ông Bình cho hay.

Theo VN Business