Học nghề truyền thống để thoát nghèo
Trong những năm qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Việc đẩy mạnh đào tạo nghề truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của các địa phương mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống đan đát bàng buông, trải qua không ít thăng trầm nhưng chị Lai Thị Hên, ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông (Châu Thành – Tiền Giang) vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mà mình đã chọn. Bởi theo chị, ngoài đam mê, truyền cảm hứng cho người đan, chị còn mong muốn góp phần bảo tồn một ngành nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Tạo sinh kế bền vững
Chị Hên chia sẻ, trước đây, Tân Lý Đông là một trong những xã nghèo nhất của huyện Châu Thành, gia đình chị cũng thuộc diện hộ nghèo triền miên. Nhà có đông anh em, không đất canh tác, từ lúc 7, 8 tuổi, sau giờ học, chị đã biết phụ mẹ đan đệm, đan manh bàng mang ra chợ bán kiếm tiền đong gạo.
Nghề truyền thống tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, từ đó nâng cao thu nhập. |
Đến năm 17 tuổi, chị xin vào làm việc cho HTX nón Thống Nhất (xã Thân Cửu Nghĩa) và được giao phụ trách kỹ thuật tạo mẫu (nón, giỏ, manh... bàng buông các loại). Sau đó, chị lĩnh nguyên liệu của HTX về giao lại cho bà con trong ấp đan để kiếm thêm thu nhập. Dần dần, thấy bà con tham gia nghề càng nhiều nên chị Hên cùng với chị Lai Thị Liên hùn vốn mở cơ sở bàng buông mang tên Liên Hên.
Để giúp mở rộng nghề bàng buông truyền thống, cơ sở nhận dạy nghề đan miễn phí cho bà con có nhu cầu. Sau khi thạo nghề, bà con có thể lĩnh nguyên liệu về nhà đan gia công và giao lại thành phẩm cho cơ sở. Thành phẩm sản xuất ra, cơ sở giao lại cho HTX nón Thống Nhất hoặc một số tổ hợp nón trên địa bàn huyện. Hiện tại, cơ sở ký hợp đồng cung ứng cho một số công ty tại TP. Hồ Chí Minh để xuất ra nước ngoài.
Tương tự, là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, trong những năm qua, để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, xã Cao Ngọc (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đã tận dụng tối đa các tiềm năng của địa phương để xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, phát triển nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm đã giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân.
Trước đây, đời sống của người dân xã Cao Ngọc phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 13/10/2016 của Huyện ủy Ngọc Lặc về “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025”, xã Cao Ngọc đã từng bước phát triển các mô hình kinh tế từ nghề truyền thống để vừa giữ gìn làng nghề, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.
Cuộc sống ngày càng ấm no
HTX Dệt thổ cẩm làng Nhỏi ở xã Cao Ngọc được thành lập từ năm 2018 nhằm đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường. Khi thành lập HTX, chính quyền địa phương và các thành viên đều mong muốn HTX sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của người Mường.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay, HTX Dệt thổ cẩm làng Nhỏi tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động là các chị em phụ nữ trong xã, với mức thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Hưng, thành viên HTX cho biết: “Trước đây, khi chưa có HTX, đa số phụ nữ trong vùng làm nông hoặc đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Từ khi HTX đi vào hoạt động đã giúp các thành viên có thu nhập ổn định. Đây chính là nguồn động viên cho nhiều phụ nữ không có việc làm trong xã. Không chỉ có thêm thu nhập, thông qua HTX, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.
HTX Dệt thổ cẩm làng Nhỏi tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động là các chị em phụ nữ trong xã, với mức thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng. |
Với quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống, chính quyền xã Cao Ngọc đã đưa nghề dệt thổ cẩm vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Tới đây, trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), xã Cao Ngọc xác định sẽ chọn sản phẩm dệt thổ cẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Khi đó, các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mường sẽ được biết đến tại nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc cho biết: “Việc thành lập các HTX, cơ sở nghề truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhân rộng thêm các mô hình phát triển kinh tế từ nghề truyền thống ở địa phương”.
Trong những năm qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Giải quyết thách thức thị trường
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020.
Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ NN&PTNT đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, HTX và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 HTX và tổ hợp tác.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề trong các làng nghề, làng nghề truyền thống và cho các lao động trong lĩnh vực hoạt động ngành nghề nông thôn.
Thực tế cho thấy, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với giảm nghèo bền vững đã được khẳng định tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong Chương trình, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, HTX, tổ chức và cá nhân có liên quan…
Có thể thấy, việc phát triển nghề truyền thống và xây dựng HTX nghề truyền thống ở nhiều địa phương đang đi đúng hướng, đặc biệt trong công tác giảm nghèo. Tuy vậy, trong xu thế phát triển, nghề truyền thống vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ như thiếu hụt lao động trẻ, sự cạnh tranh lớn từ những sản phẩm sản xuất công nghiệp...
Để giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào, các địa phương cần mở thêm các lớp đào tạo nghề; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các triển lãm, hội chợ; tuyên truyền, vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, tết... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào đối với việc giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [06/02/2024] 'Đòn bẩy' kinh tế hợp tác 'mở lối' đi lên cho người dân Đạ Tẻh
- [06/02/2024] Hiệu quả giảm nghèo từ trồng cây bản địa
- [06/02/2024] Chuyện ‘trao cần câu’ giảm nghèo ở Yên Bái
- [06/02/2024] Công nghệ cao góp phần giảm nghèo bền vững
- [06/02/2024] HTX sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, nông dân 'được mùa, trúng giá' đón Tết to