HTX ăn nên làm ra từ làm đậu phụ '3 không'
Đậu phụ (đậu hũ) có thời gian được người tiêu dùng xem là món ăn nhạt nhẽo, chỉ phù hợp để ăn đổi bữa, phục vụ ăn chay. Tuy nhiên, với niềm tin của người con nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, Phan Văn Đạt (sinh năm 1992) đã cùng 6 thành viên thành lập HTX Thanh niên Võng La (Đông Anh, Hà Nội) để giúp mọi người có cái nhìn mới về đậu phụ cũng như hình thức khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tập thể.
HTX Thanh niên Võng La do anh Phan Văn Đạt làm giám đốc không chỉ góp phần khôi phục nghề truyền thống của địa phương mà còn giúp nhiều người khởi nghiệp và làm giàu từ những tấm đậu phụ.
Tìm hướng đi
Từng có tấm bằng cử nhân ngành luật, được đi nhiều nơi nhưng Phan Văn Đạt vẫn không nguôi nỗi nhớ về mùi thơm nhẹ từ đậu nành làm ra những tấm đậu phụ trắng ngà mỗi dịp ngan qua các quán, các cửa hàng bán sản phẩm mà gia đình anh bao đời gắn bó.
Cũng từng học hành đàng hoàng nên anh nhận thấy dù bị nhiều người không đánh giá cao nhưng đậu phụ vẫn là món ăn được không ít người tiêu dùng lựa chọn, nhất là đối với những người có thu nhập thấp. Đặc biệt, nền kinh tế dù phát triển nhưng sẽ không tránh khỏi những lúc trầm, và đậu phụ sẽ là mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
“Người tiêu dùng hiện nay cũng đang có xu hướng ăn chay, ăn healthy, sử dụng sản phẩm hữu cơ… Đây cũng là cơ hội cho đậu phụ phát triển”, anh Đạt chia sẻ.
Sau khi quan sát thị trường, anh Đạt nhận thấy ở trong nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đã có bán đậu phụ với nhiều cách đóng gói khác nhau nhưng thường quá mềm nên có thể gây khó khăn cho chế biến. Nhiều cơ sở làm đậu phụ khác lại sử dụng đậu nành nhập khẩu, trong khi các nguyên liệu nhập khẩu phần lớn là đậu nành biến đổi gen nên xét về tiêu chí hữu cơ thì chưa hoàn thiện. Ngược lại, đậu phụ ở làng Võng La quê anh tuy dễ phục vụ chế biến món ăn, dễ bảo quản nhờ có công thức riêng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu nên khó phát triển.
Trước những thực tế trên, Phan Văn Đạt đã cùng thành viên kế thừa cách làm đậu truyền thống của làng Võng La. Đậu phụ do HTX làm đều từ hạt đậu nành được trồng trên cánh đồng sản xuất an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, và chế biến theo công thức truyền thống của gia đình.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh trong khâu chế biến, anh đã cùng thành viên HTX đầu tư máy móc ở một số công đoạn thay vì làm thủ công hoàn toàn. Chính vì vậy mà môi trường làm việc của người lao động trong HTX được nâng cao. Đậu phụ cũng bảo đảm tiêu chuẩn “3 không”: Không chất phụ gia, không chất bảo quản, không thạch cao, từ đó bảo đảm các tiêu chí kiểm định và cấp giấy chứng nhận bởi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia.
Không ngừng lớn mạnh
Điều thuận lợi của anh Đạt khi gắn bó với mô hình HTX làm đậu phụ đó là nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiệt tình từ người thân và những người có kinh nghiệm ở làng nghề. Họ đã giúp anh và các thành viên tìm ra công thức chuẩn để đậu phụ vẫn giữ được màu sắc, mùi vị đặc trưng.
“Tôi muốn cho người tiêu dùng biết rằng đậu phụ Võng La vốn là một món rất ngon nếu được chế biến đúng cách. Tôi muốn chứng minh rằng nhiều người chưa đánh giá cao đậu phụ là do họ chưa biết thế nào là đậu phụ ngon”, anh Đạt bày tỏ.
Và đúng như mong muốn của mình, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã cùng các thành viên thuyết phục được nhiều khách hàng nhờ chất lượng đậu vượt trội, quy trình sản xuất công khai và có đầu tư về bao bì, nhãn mác. Đặc biệt, HTX đã đa dạng hóa sản phẩm như đậu phụ trắng, đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy. Đáng chú ý, cả 3 sản phẩm đậu phụ này đều thuyết phục được ban đánh giá chất lượng của chương trình OCOP thành phố Hà Nội và được công nhận là sản phẩm 3 sao.
Nghề sản xuất đậu phụ đã được nâng tầng nhờ HTX Võng La. |
Từ một cơ sở nhỏ của gia đình, đến nay, anh Đạt đã phát triển thành một cơ sở sản xuất đậu phụ lớn nhất nhì Võng La. Ngoài bán cho người dân ở các chợ truyền thống, đổ cho các mối buôn, anh đã liên kết được với một số cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, nhà hàng và trường học để mở rộng đầu ra cho sản phẩm “Đậu chài Võng La”.
Nếu như khi mới thành lập, HTX chỉ tiêu thụ được 200 - 300 kg đậu/ngày thì nay đã lên đến hàng tấn. Doanh thu của HTX cũng lên đến 3,5-3,6 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh hoạt động sản xuất của HTX, anh còn hợp đồng bao tiêu sản phẩm cùng với các hộ dân làng nghề và tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý cho các hộ tham gia sản xuất và tiêu thụ đậu phụ sạch an toàn.
Khẳng định niềm tin
Thành công này của anh Đạt cũng đã giúp HTX Thanh niên Võng La chiếm được lòng tin, gây thiện cảm đối với nhiều người. Đặc biệt, nó còn có ý nghĩa quan trọng vì sau hàng chục năm phát triển, đậu phụ Võng La chỉ quanh quẩn trong làng, xã thì nay đã rộng cửa đến với nhiều địa phương. Và nhiều người nghĩ rằng nghề đậu phụ Võng La có lẽ sẽ bị mai một vì không có người nối nghiệp thì nay lại được thắp sáng bởi những người thanh niên có học thức, trí tuệ, có sự am hiểu về thị trường và chịu đầu tư công nghệ.
“Khi được công nhận sản phẩm OCOP và được chế biến thành nhiều món, đậu phụ thay vì chỉ là sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu, nay đã có chỗ đứng nhất định. Nhiều người đã đánh giá cao sản phẩm này vì là thực phẩm phù hợp xu thế, thơm ngon bổ dưỡng, giá cả phù hợp thay vì giá rẻ”, Giám đốc HTX Thanh niên Võng La chia sẻ.
Và hiệu quả kinh tế từ nghề làm đậu phụ của HTX cũng không hề nhỏ. Các thành viên và người lao động trong HTX có thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều nghề khác. Người làm nghề đơn lẻ nếu bị áp lực và phải làm việc trong môi trường ẩm thấp, khó khăn thì nay nhờ HTX đã được làm việc trong môi trường tốt hơn, giảm gánh nặng cho sức khỏe. Đây cũng là niềm vui của Giám đốc Phan Văn Đạt, giúp anh tự tin với mô hình HTX cũng như con đường mình đang chọn.
Kết quả mà HTX Võng La đạt được cũng giúp người dân thêm gắn bó với nghề truyền thống. Đến nay, 80% hộ dân ở Võng La đã quay trở lại sản xuất đậu phụ và liên kết với HTX để ổn định đầu ra.
Một so sánh nho nhỏ của anh Đạt cho thấy, thu nhập từ nghề này đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm, trong khi hộ làm nông nghiệp chỉ đạt 40-42 triệu đồng/người/năm, hộ dịch vụ đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Nhìn về tương lai của HTX, anh cho rằng, chất lượng và thương hiệu sẽ quyết định hướng đi của HTX. Chính vì vậy, ngoài tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng, các thành viên đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các nền tảng và bằng các phương thức khác nhau nhằm liên kết được với nhiều đơn vị thu mua, các kênh phân phối hơn nữa, đặc biệt là hệ thống bán lẻ thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [23/06/2023] 'Làn gió mới' từ các HTX nông nghiệp giúp nông dân Cần Giuộc vươn lên
- [21/06/2023] Nước cạn, HTX nuôi cá lồng gặp hạn
- [21/06/2023] Tăng lợi thế cạnh tranh cho HTX từ giống bản địa
- [21/06/2023] HTX muốn 'vượt rào', sản xuất phải tuân theo tín hiệu thị trường
- [21/06/2023] 'Rẽ sóng' cho HTX du lịch nông thôn phát triển