HTX có nhất thiết phải sản xuất theo tiêu chuẩn GAP?
Có những HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Điều này được đánh giá là tốt, nhưng để chinh phục được thị trường và khách hàng, câu hỏi đặt ra là HTX sẽ phải thực hiện như thế nào và có nhất thiết phải chạy theo những tiêu chuẩn này hay không?
Là doanh nghiệp chuyên liên kết với các HTX để thu mua nông sản xuất khẩu, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP HCM), cho rằng khi xuất khẩu sang một số thị trường, họ không quan tâm thậm chí không cần biết sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn GAP hay không. Nếu có quan tâm thì nông sản phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đặc biệt là những tiêu chuẩn hữu cơ thế giới.
Chưa chắc tiêu thụ thuận lợi
Điều này cho thấy, các HTX không nhất thiết phải chạy theo tiêu chuẩn GAP trong sản xuất kinh doanh. Bởi thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến tiêu chuẩn này. Nhất là ở Việt Nam, hầu như có rất ít đơn vị chuyên quảng bá về tiêu chuẩn chuẩn GAP. Chính vì vậy, việc các HTX muốn đảm bảo cho sản phẩm được gắn nhãn GAP lâu dài và được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao hơn so với sản phẩm thông thường là cả một vấn đề.
Thực tế, để đưa nông sản ra thị trường để HTX xây dựng được thương hiệu, từ đó thuyết phục được khách hàng, đối tác thì quy trình sản xuất chưa phải là điều kiện quyết định. Mà nó được cho là nằm ở phần giống, tên sản phẩm của HTX được thể hiện qua thương hiệu, chế độ dinh dưỡng, nguồn gốc, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, cách marketing… chứ không nhất thiết phải là ở chứng nhận GAP.
Trong nhiều cửa hàng nông sản sạch, siêu thị hiện nay có bán các mặt hàng như gạo tám thơm Hải Hậu, gạo Nàng Thơm… trên bao bì không ghi chứng nhận GAP nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Ngược lại, nhiều HTX đã ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào sản xuất nhưng nông sản vẫn khó bán, người tiêu dùng vẫn ít mặn mà nên chưa mang lại giá trị tương xứng cho người sản xuất trực tiếp.
Trong khi, để sản xuất và duy trì chứng nhận GAP, các HTX phải bỏ ra số tiền không nhỏ cho các loại phí như: phí tư vấn, phí thuê tư vấn viên giám sát, phí phân tích, đánh giá mẫu đất, nước; phí tư vấn, phí chứng nhận GAP, phí tái chứng nhận GAP (tùy vào diện tích và số thành viên tham gia)…
Trong thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định, chứng nhận GAP chỉ có thời hạn 2 năm. Khi muốn tái chứng nhận, HTX sẽ phải phải bỏ ra một phần chi phí bằng khoảng 1/3 phí ban đầu.
Chi phí lớn gây tốn kém và vượt quá sức của nhiều HTX, nông dân. Chính vì vậy mà đến nay, nhiều HTX khó mở rộng diện tích đạt chứng nhận GAP.
Muốn biết áp dụng quy trình sản xuất nào phù hợp, HTX, nông dân cần xác định rõ thị trường đầu ra cho nông sản của thành viên. |
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng khi đã tìm cho mình được một sản phẩm, một thương hiệu ưng ý thì lần sau họ sẽ tiếp tục tìm mua những sản phẩm quen thuộc theo tên gọi sản phẩm, tên đơn vị sản xuất hay theo nguồn gốc, chứ ít khi quan tâm nhiều đến việc sản phẩm đó được chứng nhận theo quy trình nào. Vì có rất ít người tiêu dùng hiểu hết về các quy trình sản xuất hiện nay.
Nhưng để tạo ra được một sản phẩm chất lượng, thu hút được người tiêu dùng mua nhiều lần thì chắc chắn sản phẩm đó phải có nguồn giống tốt, chất lượng vượt trội, sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Ngay như sản phẩm gạo ST24, ST25 vốn thu hút đông đảo người tiêu dùng ở trong và ngoài nước có lẽ phần lớn là từ các yếu tố trên thay vì quy trình GAP. Một số sản phẩm khác cùng loại, tuy có sản xuất theo quy trình GAP nhưng sức hút từ người tiêu dùng lại kém hơn ST24, ST25.
Không nên máy móc
Theo các chuyên gia, thực chất sản xuất theo quy trình GAP là không bắt buộc đối với các HTX, người dân, doanh nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa là HTX, người dân, doanh nghiệp muốn sản xuất, kinh doanh như thế nào cũng được.
Bởi không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường thế giới hiện nay đều đề cao vấn đề sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, sản xuất thay vì phát triển mạnh về số lượng cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo các yếu tố về bao bì...
Muốn vậy ngay từ khâu chọn đất, sử dụng nước, giống, bón phân cũng cần được quan tâm, ứng dụng một cách khoa học. Để từ đó, nông sản của người dân, HTX không chỉ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng mà còn mang lại nhiều yếu tố bền vững khác. Điều này nằm nhiều ở ý thức sản xuất của mỗi người dân, thành viên HTX.
Dù sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là không bắt buộc nhưng mỗi HTX khi bắt tay vào sản xuất cần quan tâm đến việc, sản phẩm của các thành viên khi thu hoạch sẽ bán cho ai, đối tượng khách hàng nào, ở trong hay ngoài nước… Lúc đó, HTX sẽ có những kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của mình đề ra.
Chẳng hạn như nhiều nước nhập khẩu từ Việt Nam hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn riêng cho từng loại nông sản. Mỗi thị trường lại chú trọng những chứng nhận riêng. Nên nếu HTX có sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hay GlobalGAP thì các nước cũng không quá quan tâm. Ngay như quy trình hữu cơ của Việt Nam hiện chưa được Nhật Bản chấp nhận.
Vì vậy, muốn áp dụng theo quy trình nào, HTX phải xác định được đầu ra của sản phẩm ở thị trường nào, trong phân khúc nào…để áp dụng đúng theo tiêu chuẩn đó một cách phù hợp, hiệu quả.
Bởi sản xuất theo quy trình GAP tuy vẫn giúp nông sản của HTX từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc. Nhưng điều quan trọng vẫn là đáp ứng được đúng và trúng nhu cầu của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu. Như vậy, nông sản, hàng hóa của HTX mới đến được thị trường đích và việc xây dựng thương hiệu cũng thuận lợi hơn, HTX cũng đỡ tốn kém hơn.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [27/04/2023] HỢP TÁC XÃ THẢO DƯỢC VIỆT NAM: NÂNG TẦM THẢO DƯỢC LÊN MEN.
- [26/04/2023] Nông dân cù lao Tân Phú Đông khát khao thoát nghèo với cây sả
- [26/04/2023] Nông dân Hậu Giang 'nghĩ lớn, làm lớn'
- [26/04/2023] Tạo bước đột phá cho HTX xuất khẩu sầu riêng
- [25/04/2023] Những tỷ phú nông dân ở Đồng Nai