HTX Tâm Hợi: Đưa sản phẩm quế quê hương vươn ra thế giới

|

Bằng sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất gắn với khai thác quế - sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, HTX Tâm Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên.

Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX Tâm Hợi không ngừng mở rộng cả về quy mô sản xuất nhà xưởng, thị trường xuất khẩu với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Các sản phẩm phong phú, đa dạng, mỗi sản phẩm lại đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng. Hiện, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang nhiều nước như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ...

Liên kết để vươn ra thế giới

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, quế được xác định là một trong 6 mặt hàng chủ lực của tỉnh Lào Cai. Không đứng ngoài xu thế đó, huyện Bảo Thắng xác định quế là sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Tuy nhiên, thấy người dân vất vả trồng quế, giá trị mang lại không như mong đợi, sản phẩm quế chưa có ưu thế trên thị trường, năm 2017, chị Tạ Thị Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng), thành lập cơ sở thu mua quế với mục đích ban đầu là để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau 4 năm, cơ sở sản xuất của chị Hợi đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó chị Hợi mở rộng việc ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng.

Sản phẩm quế của HTX Tâm Hợi được kiểm tra trước khi xuất khẩu.

Với mong muốn đưa sản phẩm quế quê hương vươn xa hơn, năm 2021, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị Hợi thành lập HTX Tâm Hợi, gồm 21 thành viên. Bước đầu, HTX thành lập 5 tổ hợp tác về các địa bàn vùng sâu, vùng xa hướng dẫn người dân cách thu hoạch, sơ chế, chế biến ra các sản phẩm thô. Sau đó mới đăng ký bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Để các thành viên HTX và bà con trong vùng yên tâm sản xuất, HTX đã ký kết hợp đồng với công ty TNHH MTV Sản vật nhiệt đới Việt Nam bao tiêu tất cả các sản phẩm quế do HTX làm ra.

“Đến thời điểm này, đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm quế đang ổn định, với số lượng quế ngày càng lớn. Sản phẩm quế chủ yếu là xuất khẩu ra thị trường thế giới, còn trong nước thì số lượng ít hơn nhiều”, chị Hợi cho hay.

Hiện nay, các tổ hợp tác đã lên tới 97 thành viên với tổng diện tích trồng quế là 500 ha, sản lượng ước đạt từ 2.500 - 3.000 tấn quế tươi/năm. Giá cả theo thỏa thuận với các thành viên theo từng thời điểm, thanh toán tiền hàng tháng.

Để sản phẩm vươn xa hơn, HTX ký hợp đồng liên kết với Công ty quế hồi Bảo Thắng để chế biến các sản phẩm quế xuất khẩu cho thị trường quốc tế nhằm tiêu thụ sản phẩm quế cho nông dân. Hàng năm, HTX bao tiêu sản phẩm cho khoảng trên 600 ha quế, sản lượng từ 2.800 - 3.000 tấn quế tươi cho trên 100 hộ gia đình trồng quế trên địa bàn (ngoài 5 tổ hợp tác).

Giúp thành viên và người dân có thu nhập ổn định

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX Tâm Hợi không ngừng mở rộng cả về quy mô sản xuất nhà xưởng, hiện HTX có 3 cơ sở thu mua, chế biến quế cho bà con trên địa bàn toàn tỉnh, với diện tích hơn 1,5 ha. Các sản phẩm phong phú, đa dạng như: Quế chẻ, quế ống sáo, quế điếu thuốc, quế sáo vụn, quế sáo xèo, quế chẻ thanh, quế vụn đen, bột quế… Mỗi loại sản phẩm có những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng.

HTX Tâm Hợi đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang 9 nước, hằng năm cung cấp cho doanh nghiệp khoảng 1.000 tấn khô với doanh thu 80 tỷ đồng.

Nhờ quy mô ngày càng mở rộng nên HTX Tâm Hợi không chỉ tạo việc làm ổn định cho các thành viên mà còn thu hút gần 100 lao động địa phương có thêm việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, tùy theo sản phẩm người lao động làm ra.

Anh Nguyễn Văn Lợi, thôn Tả Hà 4, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng phấn khởi: "Gia đình tôi có 20 ha quế hơn chục năm tuổi, hiện đã cho thu hoạch rồi. Gia đình tôi được HTX Tâm Hợi thu mua sản phẩm quế tươi, với giá dao động từ 18-24 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã bán được hơn 10 tấn quế tươi, thu về hơn 200 triệu đồng. Người dân chúng tôi bây giờ trồng quế có đầu ra ổn định nên rất yên tâm".

Tuy nhiên, HTX vẫn còn những băn khoăn nhất định. Điển hình là HTX mong muốn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 26 để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị, tận thu được tất cả các sản phẩm, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Giám đốc Tạ Thị Hợi phản ánh: "Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết là mắc ở đâu, mắc vì cái gì? Đất đai chúng tôi có, bây giờ chúng tôi muốn chuyển đổi mở rộng diện tích nhà xưởng cũng không được; các thủ tục, hồ sơ rất phức tạp và cơ quan chức năng đều trả lời chúng tôi chưa đáp ứng đủ các điều kiện, mặc dù sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới nhiều năm nay".

"Chúng tôi mong muốn tỉnh có sự điều chỉnh về các thủ tục phù hợp với trình độ, năng lực của các HTX cũng như của bà con nông dân… Sớm chấp thuận chủ trương đầu tư cho chúng tôi để mở rộng sản xuất góp phần nâng cao năng lực tiêu thụ các sản phẩm về quế cho bà con”, Giám đốc HTX Tâm Hợi kiến nghị.

Theo VN Business