HTX tìm hướng đi từ ngành công nghiệp không khói

|

Du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề đang là hoạt động thu hút sự quan tâm của các HTX ở Vĩnh Long. Nhờ vậy, các HTX không chỉ là cái nôi để phát triển làng nghề truyền thống mà còn là nơi để tiếp cận khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với du lịch bền vững.

Vĩnh Long có gần 100 làng có nghề và làng nghề đang hoạt động. Việc các HTX nằm trong làng nghề khai thác và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.

Du lịch gắn với làng nghề

Làng bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cuốn hút du khách bởi những liếp bánh phơi thẳng tắp và nhiều sắc màu. Bánh tráng cù lao Mây giờ đây được làm đa dạng như bánh tráng ngọt, bánh trắng, bánh dừa, bánh sữa, bánh cay, bánh tráng trái cây… và được hỗ trợ bằng những máy móc hiện đại.

Đặc biệt, từ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, hoạt động sản xuất của HTX không chỉ phục vụ nhu cầu của khách du lịch mà còn có nhiều siêu thị đến tìm hiểu và thống nhất đặt hàng mua bánh tráng cù lao Mây dài hạn. Theo các siêu thị này, sản phẩm bánh tráng OCOP của HTX đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường.

Có được thành quả đó, theo ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX sản xuất bánh tráng cù lao Mây, là do việc liên kết hàng chục hộ dân chuyển từ tự phát, nhỏ lẻ… sang hướng hợp tác sản xuất theo đơn đặt hàng quy mô lớn. Từ đó, đưa làng nghề vào sản xuất quanh năm, giúp bà con tăng thu nhập, làm giàu bằng chính sản phẩm truyền thống của mình…

Ông Thông cho biết, việc sản xuất quanh năm giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. Bởi khách du lịch hiện nay không đi theo mùa, thời điểm cố định mà đi rải rác trong năm. Nếu không hoạt động liên tục thì vừa khó thu hút khách, vừa giảm hiệu quả kinh tế.

-8430-1684209689.jpg

Thế mạnh các loại cây ăn quả là điểm nhấn phát triển du lịch nông nghiệp ở Vĩnh Long.

Không chỉ làng nghề bánh tráng cù lao Mây, một số làng nghề khác có sản phẩm OCOP như tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng giấy Tường Lộc, hay các sản phẩm từ làng nghề đan đát từ lục bình, lác, giấy phế thải, gốm đỏ… đều có sự tham gia của HTX hoặc doanh nghiệp. Điều này cho thấy sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có tiềm năng phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc thu hút khách du lịch trải nghiệm.

Theo các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, các làng nghề truyền thống là bản sắc văn hóa nên việc gìn giữ và phát triển nó theo mô hình HTX sẽ giúp các làng nghề đi đúng hướng. Khi các HTX đầu tư cho sản phẩm OCOP làng nghề sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát huy giá trị văn hóa bản địa, thúc đẩy địa phương xây dựng nông thôn mới.

Du lịch nông nghiệp

Ngoài phát triển sản phẩm OCOP gắn với làng nghề để đẩy mạnh du lịch nông thôn, Vĩnh Long còn tạo được dấu ấn thông qua phát triển du lịch nông nghiệp. Điểm nhấn trong du lịch nông nghiệp ở Vĩnh Long là những cánh đồng lúa chín vàng quanh năm ở Trà Ôn, Vũng Liêm; những vườn cam sành ở Tam Bình, vườn bưởi năm roi, thanh trà, xà lách xoong Bình Minh, cánh đồng khoai lang Bình Tân…

Ngoài ra còn có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, được các HTX đổ tiền, đổ sức xây dựng theo chuỗi giá trị bền vững.

Nằm ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, HTX Mekong Green nổi lên là điểm du lịch hút khách trong và ngoài tỉnh. Nhờ thành viên mạnh dạn thay đổi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng là trọng tâm trong sản xuất, HTX đã tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trùn quế phục vụ trồng dưa lưới trong nhà kính đến việc xây dựng tour du lịch thu hút khách… Đây là cơ hội để các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, từ đó sản lượng cung cấp cho thị trường nhiều hơn.

Ngoài HTX Mekong Green, các HTX chuyên sản xuất các loại trái cây nổi tiếng từ lâu như: cam sành, bưởi 5 roi, khoai lang Bình Tân, chôm chôm Bình Hòa Phước, sầu riêng Chánh An… sau khi được công nhận OCOP 3 sao đều hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tạo điểm nhấn tham quan cho du khách.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch làng nghề gắn với sản phẩm OCOP đang là 2 trong 4 sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt là: du lịch homestay, du lịch Nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch Văn hóa.

Tuy nhiên, để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn nữa, cần có những định hướng, hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng mô hình. Điều này không chỉ được các ngành chức năng của tỉnh nhận định mà còn là mong mỏi của các HTX.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc HTX Mekong Green, cho biết dù phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi và thu hút khách du lịch nhưng HTX gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, thị trường tiêu thụ, vốn. Trong khi các chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của các HTX.

Chẳng hạn như trong hỗ trợ đầu tư khu sản xuất công nghệ cao, yêu cầu diện tích sàn phải 100ha, trong khi thực tế đầu tư mỗi ha, HTX cần khoảng 1 tỷ đồng. Còn chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng sinh thái của tỉnh quy định cần phải đầu tư tối thiểu 10ha… nên HTX rất khó tiếp cận.

Trong đó, nhân sự cần đặc biệt ưu tiên người trẻ có học vấn để dễ dàng bắt nhịp xu hướng làm nông nghiệp mới, nhưng môi trường làm việc của các HTX còn rất sơ khai, nên không hấp dẫn người trẻ có tri thức về làm việc.

Theo VN Business