Kinh tế hàng hóa lớn mạnh ở vùng núi Tân Đồng

|

Sự phát triển hiệu quả của mối liên kết trong sản xuất nông-lâm nghiệp ở xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) từ mô hình tổ hợp tác thành HTX, đã khẳng định được vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong việc giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy, nhận thức sản xuất nông, lâm nghiệp.

Tân Đồng vốn là một xã nông thôn mới nâng cao của huyện Trấn Yên. Điểm nổi bật của địa phương là có đến 2.000 ha đất rừng trồng quế, ngoài ra còn có diện tích đất trồng dâu. Tại đây, sau một thời gian hoạt động, tổ hợp tác Tân Đồng đã phát triển lên thành  HTX nông-lâm nghiệp xã Tân Đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Phát triển kinh tế nhờ liên kết

Trước đó, nhận thấy lợi thế về nông lâm nghiệp phù hợp với ngành nghề cung ứng giống cây lâm nghiệp, hoạt động dịch vụ nông nghiệp, một số người dân và thanh niên làm nông nghiệp trên địa bàn xã đã thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ thông qua dịch vụ chính là ươm quế giống đạt chuẩn.

Nhờ nhu cầu trồng rừng của người dân cao, cộng với nguồn giống chất lượng, mỗi năm tổ hợp tác đã cung cấp ra thị trường khoảng 70 vạn quế giống, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

-9685-1684923913.jpg

Tận dụng đất rừng để phát triển quế theo hướng hữu cơ thông qua mô hình kinh tế tập thể giúp người dân nâng cao thu nhập và kỹ năng sản xuất.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, tổ hợp tác còn tham gia dự án “Nâng cao năng lực cho đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực phong trào khởi nghiệp” do Liên minh châu Âu tài trợ.

Thông qua dự án, các thành viên có cơ hội được nâng cao kỹ năng lập nghiệp, học tập kinh nghiệm từ các các mô hình sản xuất thực tế, hình thành được những định hướng chiến lược cụ thể, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu của thị trường về các dịch vụ nông-lâm nghiệp ngày càng cao, tổ hợp tác cũng có nhu cầu ký kết các hợp đồng cung ứng sản xuất, hỗ trợ bà con tiêu thụ nông-lâm sản. Do đó, đến 6/2022, tổ hợp tác đã phát triển thành HTX nông –lâm nghiệp xã Tân Đồn với vốn điều lệ 900 triệu đồng, thực hiện 7 ngành nghề kinh doanh, trong đó tập trung vào nghề trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích quế và một số cây lâm nghiệp trên địa bàn, HTX đã đầu tư vườn ươm với diện tích 1,7ha. HTX cũng có 15 ha đất rừng, chủ yếu là trồng quế, trong đó có 5 ha quế đang được trồng theo quy trình hữu cơ.

Những sản phẩm quế hữu cơ được HTX sản xuất với nguyên tắc không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, đồng thời, chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên với mục đích tối đa hóa sức khỏe và năng suất của cộng đồng về đời sống đất đai, cây trồng và con người.

Điều thuận lợi là kể từ khi tham gia và thực hiện liên kết với HTX, các hộ thành viên và người dân được hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, khoa học, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Vì vậy, họ rất tự tin, gắn bó, tâm huyết hơn với mô hình kinh tế tập thể.

Các thành viên HTX cũng đã phát huy tính chủ động, tham gia hoạch định theo hợp đồng, hợp tác, chia sẻ, liên kết thị trường để cùng có lợi.

Lớn mạnh từng ngày

Ông Vũ Quang Hợp, Giám đốc HTX, cho biết việc tham gia liên kết để cùng phát triển lâm nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể đã góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm tăng năng suất, sản lượng khai thác, từ đó góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân.

Theo đánh giá của UBND xã Tân Đồng, HTX Tân Đồng là một trong những mô hình đi lên thành công từ 1 trong 4 tổ hợp xã của địa phương. Điều này cho thấy nhu cầu liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị của người dân là không hề nhỏ.

Để tiếp tục đưa sản xuất hàng hóa phát triển, HTX đang hướng tới phát triển và mở rộng diện tích quế hữu cơ và mở rộng thêm một số mặt hàng để nâng cao giá trị cho cây quế. Đi liền với đó là xây dựng nhà xưởng chế biến sâu các sản phẩm từ quế để khẳng định thương hiệu, gia tăng nguồn thu cho thành viên, người dân. Bởi hiện, HTX chỉ tập trung vào trồng và bán quế giống và một số sản phẩm thô như: vỏ, cành, lá cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Xác định trong quá trình phát triển sản phẩm, HTX cũng sẽ gặp một số khó khăn thách thức đó là sự canh tranh về chất lượng, thị trường tiêu thụ. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều mặt hàng được sản xuất từ quế nên làm sao để tìm ra được hướng đi riêng và khẳng định được tương hiệu cũng là vấn đề mà các thành viên HTX đang đau đầu.

Tuy nhiên, các thành viên HTX vẫn đang nỗ lực từng ngày, cố gắng nâng cao tri thức và học tập từ kinh nghiệm thực tiễn nhằm hóa giải dần những khó khăn, thách thức. Các thành viên cũng mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho HTX phát triển diện tích đất trồng rừng hữu cơ, tiếp cận các chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc áp dụng kỹ thuật sản xuất, xây dựng nhà xưởng chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản đặc trưng của địa phương.

Ông Vũ Quang Hợp cho rằng, nếu được hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tiếp cận thị trường, tìm kiếm doanh nghiệp sẽ giúp HTX hoạt động bền vững hơn.

“Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, huyện và các cơ quan quản lý để kinh tế tập thể, HTX phát triển, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm lợi ích các chủ thể tham gia”, ông Hợp chia sẻ.

Từ thực tiễn sản xuất trên địa bàn xã Tân Đồng cho thấy, việc thành lập tổ hợp tác sau đó phát triển thành HTX đã giúp cho nông dân, thành viên HTX phát triển theo từng bước, làm quen dần từ kinh tế hộ sang kinh tế hàng hóa, giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Theo VN Business