Một HTX ở Thái Bình tăng gấp đôi thu nhập nhờ trồng lúa hữu cơ
Từ mô hình canh tác lúa theo nguyên tắc hữu cơ, cải tiến (SRI), HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Thái Bình) đã tăng giá trị sản phẩm bán ra 200%. Nhờ đó đã tăng thu nhập cho các thành viên, người nông dân và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) với chủ đề: “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, ngày 4/4, đại diện HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, cùng với vùng đất sản xuất lúa của xã bị chua, mặn nên người dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng.
Hiệu quả kinh tế cao
Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, có thể tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương. HTX Nam Cường đã đưa phân chuồng và tàn dư trên đồng ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK và đã mang lại hiệu quả cao.
“Sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm Ure giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Qua đó, người nông dân đã cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn vào phát triển lúa gạo của địa phương”, đại diện HTX Nam Cường chia sẻ.
Ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha cho các HTX tại Thái Bình. |
Vụ mùa năm 2022, với diện tích gần 1,3 ha, HTX đã thu về 4 tấn thóc, tương đương 2,7 tấn gạo với giá bán 30.000 đồng/kg gạo. Chất lượng gạo được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống trên thị trường.
“Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy tốn công làm cỏ, tốn thêm công bắt ốc bươu vàng nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình. Đặc biệt, áp dụng phương pháp hữu cơ, chân đất trồng lúa không còn chai cứng mà mềm, mịn, tơi xốp, đã thấy xuất hiện tôm, cá, giun, dế nhiều trên ruộng", đại diện HTX Nam Cường chia sẻ.
Theo đó, dự kiến năm 2023, HTX nam Cường sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm. HTX cũng lên kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên HTX nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương.
Thay đổi cuộc sống bằng chính nghề nông
Chia sẻ về ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đối với sản xuất nông nghiệp đại điền, bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, cho biết, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.
Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI được áp dụng một cách linh hoạt tùy theo điều kiện canh tác cụ thể, dựa trên 5 nguyên tắc: mạ khoẻ; cấy thưa, mỗi khóm chỉ cấy 1 cây mạ; phòng trừ cỏ dại kịp thời; quản lý nước; bổ sung chất hữu cơ...
Bà Dương Thị Ngà thông tin, các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha.
Theo đó, đại diện Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất đại điền sẽ giúp quản lý cỏ dại tốt hơn với mục tiêu không dùng thuốc trừ cỏ. Từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sinh thái, bền vững, làm cỏ liên tục trên khu vực rộng trong vài năm sẽ giảm thiểu nguồn cỏ dại. Ứng dụng SRI trong thời gian dài cũng sẽ giảm áp lực sinh vật gây hại.
Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha. Trong đó hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên là 67 hộ, hộ có diện tích tích tụ từ 20 ha/hộ có 1 hộ, hộ có diện tích từ 10 ha trở lên có 17 hộ.
“Đa số các tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc BVTV và các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích bỏ ruộng hoang hóa trên địa bàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng chia sẻ.
Ông Vương Đức Hằng cho biết, thời gian tới, huyện Đông Hưng sẽ khuyến khích việc đổi thửa, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh phát triển và nâng cao giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từ đó giảm diện tích nông dân bỏ ruộng hoang.
Huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
“Đặc biệt, huyện Đông Hưng sẽ ban hành những cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích áp dụng cơ giới hóa và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng nói.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [12/04/2023] HTX với bài học từ Dược phẩm Hoa Linh
- [12/04/2023] Những mùa nho tiền tỷ trên đất dốc ở Sơn La
- [12/04/2023] HTX xây dựng vùng chuyên canh, hết cảnh 'được mùa mất giá'
- [06/04/2023] Nông sản HTX mở đường vào chuỗi bán lẻ hiện đại
- [06/04/2023] Đầu tàu dẫn dắt nông dân thoát nghèo