Nâng cao giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp thông minh

|

Tỉnh Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, những năm gần đây một số HTX, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã xuất hiện mang lại hiệu quả vượt trội và từng bước nhân rộng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX rất  quan tâm phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, mở rộng các dịch vụ phục vụ sản xuất, các HTX nông nghiệp đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhà lưới, nhà thủy canh…

Tạo đột phá từ nông nghiệp thông minh

Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, gắn sản xuất với chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đồng thời tích cực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống phân phối, cũng như các trang mạng xã hội…

Các HTX cũng là cầu nối tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

-8143-1685074059.png

Một số HTX ở Thanh Hóa đã tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất. 

Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã Minh Sơn là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân. HTX đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra.

Nhờ sản xuất công nghệ cao, giống dưa vàng của HTX đã phát huy giá trị về kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.

Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc HTX Minh Sơn cho biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, sản xuất khoa học giúp HTX bảo vệ môi trường, giảm hơn 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX tuyển chọn kỹ, nằm trong danh mục an toàn, thân thiện môi trường, đồng thời việc sử dụng tuân theo nguyên tắc 4 đúng, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.

Hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và nhiều lao động ở địa phương. Người lao động cũng được làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe.

Bên cạnh mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của HTX Minh Sơn, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng đang có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các HTX, doanh nghiệp đầu tư.

Điển hình như mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu ở xã Lam Sơn; mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn…

Nâng chất sản phẩm từ chuyển đổi số

Còn tại HTX nông nghiệp xanh, công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng, Hoằng Hóa (còn gọi là Nông trại Nhung Farm) do chị Lê Thị Nhung làm giám đốc, đã ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và chế biến dưa lưới bao tử ngâm giấm mơ được nhiều khách hàng tin dùng.

-7879-1685074059.jpg

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã thúc đẩy cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường cho các HTX.

Chị Nhung chia sẻ, sản phẩm dưa lưới bao tử ngâm giấm mơ có yêu cầu khắt khe từ khâu chọn nguyên liệu, phải là các sản phẩm Organic thực sự tốt cho sức khỏe. Dưa tươi ngon ngâm với giấm mơ cổ truyền lên men từ quả mơ tươi hoàn toàn tự nhiên, đường, tỏi, ớt cùng một số gia vị kèm theo như rau mùi, cà rốt... Đặc biệt, dưa lưới bao tử được sử dụng phải là những trái non được thụ phấn 5 - 7 ngày, to bằng quả trứng sẽ cho độ ngọt đậm, rất giòn.

Đây là món ăn mang hương vị truyền thống của Việt Nam. Ngâm ủ theo phương pháp mới, sau khi được sơ chế đầy đủ gia vị còn trải qua bước hấp tiệt trùng 5 phút, giúp loại bỏ các vi khuẩn lên men không cần thiết và giúp bảo quản sản phẩm được lâu hơn so với các sản phẩm muối thông thường theo cách cổ truyền. Sản phẩm có thời hạn bảo quản khá lâu (6 tháng).

Sản phẩm đã được chị Nhung tham gia dự thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và lọt vào vòng chung kết. Hiện sản phẩm chủ yếu được bán tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao trong tỉnh và các tỉnh thành. Nông trại của chị tạo việc làm cho từ 9 - 15 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cao văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 300 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, công nghệ sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, công nghệ sản xuất gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…)

Nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi số (CĐS) trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook… nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững.

Việc các HTX đẩy mạnh CĐS, đầu tư mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm lên mạng xã hội; đẩy mạnh bán hàng qua sàn giao dịch TMĐT, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ, doanh thu hàng hóa dịch vụ cho các HTX.

“Thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động CĐS trong khu vực kinh tế tập thể, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn về CĐS, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình CĐS, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Cường cho hay.

Theo VN Business