Năng động trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở Thanh Trì

|

Phấn đấu cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội đang hưởng ứng phong trào với khí thế sôi nổi, tinh thần trách nhiệm cao. Những ngày này, dù thời tiết nắng nóng nhưng ở hầu hết các xã, thị trấn trên toàn huyện, khí thế ra quân xây dựng NTM kiểu mẫu khá rầm rộ.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phấn đấu đến hết 2025 có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn cùng nhiều cách làm sáng tạo, đến hết năm 2022, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 15/15 xã. Kết quả đạt được đã hoàn thành vượt kế hoạch 2 năm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí 

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nói rằng, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng xã, thị trấn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với việc hoàn thiện các tiêu chí để xã lên phường, huyện lên quận trong thời gian tới.

-1889-1684727867.jpg

Huyện Thanh Trì đang hưởng ứng phong trào xây dựng NTM với khí thế sôi nổi, tinh thần trách nhiệm cao.

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn, là xã điểm của TP Hà Nội thực hiện xây dựng NTM từ năm 2010 và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013, xã Đại Áng xác định tiếp tục giữ vững và phát huy các kết quả đạt được trong xây dựng NTM nâng cao năm 2022 trên địa bàn.

Đảng bộ, chính quyền xã Đại Áng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM kiểu mẫu. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao xã Đại Áng đã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành đối với từng thôn.

Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trên địa bàn có HTX nón lá Vĩnh Thịnh, HTX thủy sản công nghệ cao Đại Áng với mô hình nuôi cá “sông trong ao” hoạt động hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc HTX thủy sản công nghệ cao Đại Áng cho biết, HTX đã có 30 hộ liên kết với diện tích gần 70ha thả nuôi các loại cá truyền thống như rô phi, cá trôi, cá trắm… các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa... nhờ đó, cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình sản lượng đạt khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động tại địa phương, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trên địa bàn xã.

Phát huy tối đa đặc thù, lợi thế

Đánh giá hiệu quả của các mô hình HTX, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay, huyện có 41 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 61,5% tổng số HTX trong toàn huyện. Các HTX đã mạnh dạn đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

-2788-1684727867.jpg

Huyện Thanh Trì xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân.

Cùng với đó, các HTX cũng kịp thời thích ứng với nền kinh tế thị trường, từng bước liên doanh, liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX nâng cao giá trị, ổn định đầu ra nên thành viên yên tâm đầu tư sản xuất.

Trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau an toàn ở các xã Duyên Hà, Yên Mỹ với diện tích 140ha; mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Yên Mỹ diện tích 2.600m²; mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Áng với 1.200 con lợn thương phẩm và 150 con lợn nái; mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao "sông trong ao" tại xã Đại Áng với diện tích 16ha; mô hình trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc diện tích 148 ha...

Bên cạnh đó, còn hình thành và duy trì được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, huyện xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân, ngay sau khi huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, đồng thời, toàn bộ các xã, thị trấn đã hoàn thành NTM nâng cao năm 2022 chặng đường xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã bước sang một giai đoạn mới – xây dựng NTM kiểu mẫu.

Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã tạo nên phong trào thi đua mới, người có của góp của, có sức thì góp sức, có ý tưởng thì hiến kế..., từ đó làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, phát huy thế mạnh của xã, huyện.

“Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện Thanh Trì yêu cầu các xã, thị trấn thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhận thức toàn diện về phát triển cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế. Tiếp tục rà soát chính sách về hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đặc biệt tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản và đầu tư cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho nông dân:, ông Nguyễn Tiến Cường cho hay.

Theo VN Business