Người đưa quả táo mèo… 'xuống núi'

|

Từ những sản phẩm chỉ được ký gửi tại các cửa hàng, gian trưng bày tại hội chợ... đến nay, các sản phẩm của HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là mứt và ô mai táo mèo. Giờ mỗi khi nhắc đến táo mèo Yên Bái, người ta thường nhắc đến các sản phẩm của HTX và nữ giám đốc Đoàn Thị Lương.

Có dịp gặp chị Đoàn Thị Lương, giám đốc HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương tại hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2023, mới thấy sự năng động của người phụ nữ xinh đẹp này.

Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị gián đoạn, bởi chị Lương phải trả lời những câu hỏi của những vị khách thăm quan gian hàng, vừa trả lời khách hàng, chị vừa tự tay đóng gói các sản phẩm rượu, ô mai, mứt… táo mèo, trao tận tay cho khách hàng.

Đam mê là khởi nguồn sáng tạo

Với bất kỳ người nào khi lần đầu tiếp xúc với chị, có lẽ ấn tượng đầu tiên về nữ Giám đốc trẻ này là sự gần gũi, thân thiện với nụ cười luôn thường trực. Rồi chị kể về những tháng ngày khởi nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương Yên Bái: “Ngay từ nhỏ tôi đã rất có hứng thú với các món làm từ quả sơn tra (táo mèo). Bởi thế nên khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên, tôi quyết định chuyển hướng, về quê, lập cơ sở kinh doanh loại đặc sản này”.

Quả táo mèo có vị hơi chát, người nào ăn không quen sẽ thấy không ngon, nên trước đây người dân địa phương chỉ dùng để phơi khô... ngâm rượu. Vốn là người có nhiều đam mê khám phá trong công việc, chị liên tục nghiên cứu, tìm tòi ra các sản phẩm đa dạng từ táo mèo như ô mai, mứt... Sản phẩm làm ra ngon hơn, bảo quản được lâu mà vẫn giữ được hương vị truyền thống.

Chị Đoàn Thị Lương, Giám đốc HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương.

Dù khá thành công với cơ sở kinh doanh, nhưng chị vẫn đau đáu việc không chỉ tạo việc làm cho mình mà phải tạo thêm được nhiều việc làm hơn nữa cho bà con địa phương. Ngặt một nỗi, ở Yên Bái việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Sản phẩm nông nghiệp làm ra nhiều, nhưng lại khó bán hoặc bà con phải bán với giá rất rẻ. Đặc biệt là quả táo mèo, gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Đứng trước những trăn trở đó, tháng 7 năm 2022, được sự vận động ủng hộ của chính quyền địa phương, chị Lương và một số cộng sự đã cùng nhau liên kết, thành lập HTX. Quyết tâm đưa quả táo mèo trở thành sản phẩm chủ lực của HTX với mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, thương hiệu táo mèo Yên Bái trên thị trường, đồng thời cũng giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập, bớt nghèo.

Với suy nghĩ đó, thay vì bán sản phẩm tươi truyền thống, chị Lương đã có cách làm sáng tạo là làm giấm táo mèo, ô mai và mứt táo mèo... Dù trên thị trường, các sản phẩm về mứt và ô mai rất nhiều, nhưng làm từ táo mèo thì hiện nay mới chỉ có HTX Đoàn Lương sản xuất.

“Để tạo dựng uy tín trên thị trường, chất lượng và sự chuyên nghiệp là nguyên tắc mà tôi luôn theo đuổi và dành nhiều thời gian nghiên cứu công thức làm ra thành phẩm. Từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản đóng hộp cần phải rất cẩn thận”, chị Lương chia sẻ.

Về chất lượng quả, táo mèo là loại quả đặc trưng của Yên Bái, rất nhiều nơi trồng nhưng HTX phải chọn lọc vùng trồng, tới tận vườn Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái) để tìm hiểu thu mua, đặt hàng. Tất cả các loại táo mèo dùng để sản xuất ra ô mai, mứt và rượu đều được các thành viên lựa chọn những quả không dập nát, không sâu thối và còn tươi mới.

Quyết tâm “nâng tầm” quả táo mèo

Táo mèo là loại quả thời vụ, bởi mỗi vụ chỉ kéo dài vài tháng trong năm nên vào thời điểm chính vụ, để có thể cung cấp đủ sản phẩm ra thị trường, HTX đã phải vận hành hết công suất với sự tham gia của 10-15 thành viên.

Trung bình mỗi vụ, HTX chế biến và tiêu thụ khoảng 150 tấn trong đó sản lượng ô mai khoảng 2 tấn, mứt 2 tấn và 2.000 lít rượu táo mèo. Chị bảo, mặc dù HTX mới chỉ thành lập được gần 1 năm nhưng đây là tín hiệu mừng cho cả chị và thành viên trong HTX.

Trong quá trình phát triển, UBND tỉnh và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho HTX phát triển. Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ HTX làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm: ô mai, mứt và rượu táo mèo.

Đặc biệt cuối tháng 3 vừa qua, HTX đã vinh dự được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cử đi tham gia “Tuần lễ quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp nông thôn và làng nghề truyền thống”. Đây là cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người”, để các sản phẩm của HTX nói riêng, đặc sản của Yên Bái nói chung đi kết nối, giao thương và giới thiệu trực tiếp với người tiêu dùng Thủ đô.

Việc thành lập HTX chế biến các sản phẩm từ quả táo mèo của chị Lương đã mở ra hướng đi mới cho quả táo mèo ở Yên Bái, giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến thì các sản phẩm từ quả táo mèo đều có giá trị cao hơn, nhất là hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững.

Đến nay chỉ sau gần 1 năm thành lập doanh thu đã lên đến 500 triệu đồng, đồng thời tạo thu nhập cho các thành viên trong HTX từ 5-6 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn nữa là HTX còn đứng ra liên kết, tiêu thụ sản phẩm của bà con trong vùng với giá thu mua ổn định, tránh được tình trạng bị tư thương ép giá.

Theo chị Lương, đến thời điểm này HTX đang đi vào ổn định, phát triển nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Khó khăn lớn nhất là sản lượng không đủ, quả táo mèo là loại quả một vụ, thường chỉ kéo dài vài tháng trong năm, trong khi nhu cầu thị trường ngày một lớn. 

Để mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm quả táo mèo đi xa hơn thì việc đầu tư, chế biến quả táo mèo thành các sản phẩm có thể bảo quản lâu hơn, có thể đi được xa hơn là điều mà chị và các cộng sự đang ngày đêm trăn trở. Hiện HTX đã gửi đơn đăng ký hỗ trợ vốn tới Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Yên Bái. Chị cho biết, ngay khi được chấp thuận vay vốn, HTX sẽ đầu tư thêm các máy móc phục vụ cho sản xuất, giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán online, trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

“Để giúp người dân tiêu thụ hết quả táo mèo, HTX mong muốn chính quyền địa phương giúp đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm táo mèo; hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh nông sản xây dựng nhà kho, nhà xưởng phục vụ thu mua và sơ chế nông sản” chị Lương nói.

Trước khi chia tay, chị Lương chia sẻ điều chị mong mỏi nhất lúc này là mở rộng thị trường cho quả táo mèo Yên Bái. Đặc biệt, tìm được những nhà đầu tư để hợp tác, liên kết sản xuất nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ quả táo mèo.

Chắc chắn, với niềm đam mê và tình yêu đặc biệt dành cho loại quả đặc sản của quê hương, mong muốn đó của nữ giám đốc HTX Đoàn Thị Lương sẽ sớm thành hiện thực, sớm đưa thương hiệu táo mèo bay xa không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo VN Business