Nhân rộng các mô hình HTX sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm

|

Lục Ngạn là huyện miền núi có 29 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã vùng đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 51%. Song với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đoàn kết vươn lên của nhân dân, đến nay cuộc sống người dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã ngày càng no ấm, diện mạo nông thôn cũng được thay da đổi thịt.

HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm, xã Nam Dương, thành lập 2014. Khi mới thành lập, sản phẩm của HTX chủ yếu là mỳ Chũ truyền thống được làm gạo Bao thai hồng, thị trường tiêu thụ chủ yếu bán cho thương lái ở các tỉnh lân cận. Vừa duy trì sản xuất vừa nghiên cứu sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sản xuất sạch từ Tâm 

Chị Đào Thị Hương – Giám đốc HTX cho biết: Ban đầu, khi đưa rau tươi vào sản xuất thành mỳ rau củ gặp rất nhiều vấn đề. Rau tươi xay ép nước để trộn với gạo rất dễ bị mốc do rau xay bị sủi bọt, lên men chua nhiều hơn, tỷ lệ mốc cao hơn nếu thời tiết ẩm, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu quá lớn… Sau đó, được tư vấn của chuyên gia cùng với kinh nghiệm những lần thất bại chị đã sản xuất thành công các sản phẩm mỳ Chũ rau, củ, quả.

Các HTX ở Lục Ngạn đã làm cho diện mạo nông thôn ngày càng thay da đổi thịt.

Khi sản xuất thành công, chị Hương tiếp tục tìm đầu ra cho các sản phẩm. Thị trường hướng tới là Nhật Bản. Để đưa mỳ truyền thống mang tên mỳ Chũ cao cấp Green sang Nhật Bản, HTX đã phải thực hiện nhiều công đoạn, thời gian chuẩn bị thủ tục kéo dài trong 4 năm, từ 2016 đến cuối 2019 phía Nhật Bản mới chấp thuận đưa sản phẩm vào tiêu thụ và chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản từ cuối năm 2020.

Được biết, để xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường “khó tính” như Nhật Bản. Sản phẩm phải thực hiện quá trình kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào. Các nguyên liệu phải đảm bảo là các sản phẩm sạch, đặc biệt gạo không biến đổi gen, rau củ đều là sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, cứ theo định kỳ HTX gửi mẫu của các sản phẩm để kiểm định chất lượng.

Hiện tại, HTX có 07 hộ thành viên tham gia sản xuất, sản lượng trung bình từ 0,7 - 1 tấn/ngày, với khoảng hơn 10 chủng loại sản phẩm gồm: Mỳ hoa đậu biếc, mỳ khoai lang tím, mỳ ngô, mỳ gạo lứt, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ củ dền đỏ, mỳ chùm ngây… Toàn bộ sản phẩm mỳ Chũ trên được làm từ gạo bao thai hồng và rau, củ, quả, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường chủ yếu của sản phẩm là các siêu thị thực phẩm sạch trong và ngoài nước.

Năm 2019, mỳ Chũ Green được UBND tỉnh Bắc Giang chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và năm 2020 được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) chứng nhận ở cấp khu vực. Cuối năm 2021, sản phẩm của HTX đạt thương hiệu cấp Quốc gia và tiếp tục được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, HTX có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3,4 sao cấp tỉnh. Riêng sản phẩm mỳ Chũ Green đạt chuẩn OCOP 4 sao, HTX cũng đang tích cực bổ sung và hoàn thiện các tiêu chí để tiếp tục tham gia thi chứng nhận OCOP 5 sao.

"Ngoài thị trường Nhật Bản, các sản phẩm mỳ của HTX còn được xuất khẩu sang các nước như: Đức, Úc, Đài Loan, Nga, Singapore. Ngoài ra, HTX cũng đang hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu sang Pháp và Mỹ. Để sản xuất xanh, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX đã đầu tư làm nhà màng, lò tráng khang trang, hiện đại và đã đạt giấy chứng nhận ISO220000;2018", Chị Hương chia sẻ.

Chăm chút, gìn giữ thương hiệu truyền thống

Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, hiện nay, tại xã Nam Dương có trên 100 hộ tham gia vào Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Ước tính mỗi ngày làng nghề sản xuất chế biến và tiêu thụ từ 14 - 15 tấn mỳ khô, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động nông nhàn của địa phương góp phần tích cực nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo.

Hầu hết các hộ đã tự trang bị cho mình những máy móc đơn giản như máy thái mỳ, máy xay bột... Đây là bước đột phá mới của người dân làng mỳ.

Có thể nói, thương hiệu tạo nên giá trị sản phẩm. Từ một sản phẩm truyền thống, với sự nỗ lực, sáng tạo của con người, sản phẩm đã được nâng lên một tầm cao mới. Giá trị sản phẩm không chỉ được khẳng định ở thị trường trong nước mà còn được đánh giá cao ở thị trường nước ngoài.

Hiện nay tại Bắc Giang, mỳ gạo được sản xuất tại nhiều nơi, có nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng sản phẩm mỳ Chũ Lục Ngạn là nổi tiếng nhất và gây được ấn tượng với người tiêu dùng khắp nơi.

Cùng với đó, huyện Lục Ngạn khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, xây dựng các mô hình nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đánh giá, qua triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, cùng với sự phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.

“Huyện sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị khi liên kết với doanh nghiệp. Các HTX sẽ thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó, đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản thu gom, chế biến sẽ được bảo đảm”, ông La Văn Nam cho biết.

Theo VN Business