Nhận thức về phát triển kinh tế tập thể đã được cải thiện

|
Sau gần 10 năm triển khai, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có tác động tích cực trên nhiều mặt, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã được nâng lên. Đó là khẳng định của ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại hội thảo vừa được Bộ KH&ĐT tổ chức.
10 năm triển khai Luật Hợp tác xã: Nhận thức về kinh tế tập thể đã được cải thiện
Giai đoạn 2016-2020 cả nước có 26.112 HTX

Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020, cả nước có 26.112 HTX, tăng 6.225 HTX (khoảng 31,3%) so với năm 2016. Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 17.462 HTX, số HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 8.650 HTX. Tốc độ tăng trưởng về số lượng HTX trong giai đoạn 2016-2020 là 7%/năm.

Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2020 tăng lên so với thời điểm 2016. Doanh thu bình quân của 1 HTX năm 2020 đạt 4.387,16 triệu đồng/HTX, tăng 1.009,96 triệu đồng, gấp khoảng 1,24 lần so với năm 2016. Tổng số cán bộ HTX tăng từ 81.389 người vào năm 2016 lên đến 107.506 người vào năm 2020, trong đó đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo cũng tăng theo thời gian.

Trong xây dựng nông thôn mới, HTX nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các dề án, dự án trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các thành viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Có khoảng 35,5% tổng số HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp, nông dân và HTX khác; 54,4% số HTX có liên kết cung ứng sản phẩm dịch vụ đầu vào; 21,4% liên kết tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đầu ra; 13,5% liên kết góp vốn đầu tư sản xuất và 10,7% liên kết theo hình thức khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời gian qua các HTX phát triển chưa tưng xứng với tiềm năng. Số lượng HTX tăng lên nhưng số thành viên lại giảm đi, năm 2020 số thành viên HTX giảm 410.295 người (khoảng 6,2%) so với năm 2016. Đây là nguyên nhân cản trở sự phát triển của HTX. Các HTX đa số có quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Cùng với đó, công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản, do chế độ báo cáo không thường xuyên. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh của các HTX còn hạn chế…

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân những tồn tại, hạn chế của khu vực KTTT, HTX thể hiện ở cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bản thân các tổ chức KTTT, HTX thiếu sự chủ động. Cụ thể về pháp luật, cơ chế, chính sách: Một số quy định của Luật còn chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc có hướng dẫn nhưng chưa khả thi, khó triển khai. Đặc biệt, Luật HTX 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX, nhưng thực tế chính sách đi vào thực tế chưa nhiều, có chính sách đến năm 2019 mới thực hiện được như chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX còn chưa hiệu quả, bản thân các HTX cũng chưa chủ động trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến chuyên gia về “Dự thảo Kế hoạch và Đề cương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012”. Trên cơ sở đó đánh giá lại những kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thi hành Luật HTX năm 2012, làm cơ sở để xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật HTX năm 2012.

Theo Báo Cơ quan ngôn luận của Bộ công thương