Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân
Thành lập nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp
5 năm qua, HND xã Khánh Thành đã thành lập mới 4 tổ hội nghề nghiệp, 1 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh, 1 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản, 1 tổ tư vấn, hỗ trợ nông dân… Theo bà Cao Thị Nguyệt - Chủ tịch HND xã, thông qua các mô hình này, các thành viên đã được dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; được tín chấp 27 tấn phân bón, 5.000 cây giống các loại để đầu tư sản xuất. 5 tổ tiết kiệm vay vốn cũng đã giúp 269 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ 12 tỷ đồng; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư gần 1,4 tỷ đồng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp… Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân giỏi, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu. Điển hình như ông Đoàn Văn Hưởng thành công với mô hình trồng 10ha bưởi da xanh, thu lãi 500 triệu đồng/năm; ông Hồ Duy Hiệp có 7ha cây ăn quả kết hợp du lịch nông nghiệp, thu lãi trên 700 triệu đồng/năm; các hộ ông Cao Nhâm, Cao Nhường, Cao Bạch… trồng bưởi da xanh cũng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Cao Minh Xuân - Chủ tịch HND huyện Khánh Vĩnh cho biết, nhiệm kỳ 2018 - 2023, HND huyện đã hướng dẫn thành lập 45 mô hình tổ hội nghề nghiệp về trồng trọt và chăn nuôi, thu hút 245 thành viên tham gia; 2 chi hội nghề nghiệp về trồng trọt và chăn nuôi với 45 thành viên. Hội cũng thành lập 3 hợp tác xã về nông nghiệp và du lịch sinh thái, hướng dẫn thành lập 13 tổ hợp tác về trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò với 140 thành viên, nâng tổng số tổ hợp tác toàn huyện lên 23 tổ. Việc tập hợp nông dân đoàn kết, mở rộng quy mô sản xuất và học hỏi, tương trợ lẫn nhau thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ và rất hiệu quả, nhất là ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Cùng với việc đẩy mạnh tập hợp nông dân thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp, các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như: Mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Diễm Oanh ở xã Sông Cầu cho thu nhập trên 500 triệu đồng; mô hình sản xuất tổng hợp gồm chăn nuôi và trồng trọt của nông dân Trần Thanh Thông ở xã Khánh Nam thu nhập hàng năm gần 1,2 tỷ đồng. Nhiều cá nhân điển hình tiên tiến khác có mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nông dân Nguyễn Phước Lộc ở xã Khánh Đông; Cao Trung ở xã Liên Sang; Trịnh Văn Thành ở xã Khánh Hiệp; Võ Dự ở thị trấn Khánh Vĩnh... Theo thống kê, bình quân hàng năm có 2.789/3.430 hộ nông dân trên địa bàn huyện đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Điểm chung của các nông dân giỏi là chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó là việc triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế của HND huyện, chẳng hạn như mô hình sản xuất mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng của HND thị trấn Khánh Vĩnh; mô hình trồng cây ăn quả của HND các xã: Khánh Đông, Sông Cầu, Khánh Thành, Khánh Hiệp; mô hình chăn nuôi bò sinh sản của HND xã Khánh Phú; trồng lúa nước của HND xã Khánh Trung, Khánh Bình…
Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân Cao Nhâm ở xã Khánh Thành. |
Nông dân trên địa bàn huyện còn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng thoát nghèo và làm giàu. 5 năm qua, đã có 14/14 cơ sở hội đăng ký nhận đỡ đầu, 240 lượt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ 83 hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ cây con giống, cho vay không lãi...
Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh cho biết, nhiệm kỳ qua, HND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân, nổi bật là việc xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, tập hợp, đoàn kết nông dân thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua các phong trào xuất hiện nhiều tấm gương nông dân giỏi, đặc biệt là nông dân người dân tộc thiểu số. Giai đoạn tới, HND huyện tiếp tục tập trung xây dựng hội ngày càng vững mạnh, đoàn kết, nêu cao hơn nữa tinh thần, ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hội viên nông dân; xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và lao động tại địa phương. HND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị nông sản tại địa phương.
Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hiện đạt trên 3,2 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ cho 223 lượt hộ vay để xây dựng 140 mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động có thu nhập ổn định. Hội cũng đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho 2.811 lượt hộ vay, với tổng dư nợ hơn 126,2 tỷ đồng, giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 85% hộ nông dân có nhà kiên cố.
Theo Báo Khánh Hòa
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [05/05/2023] Nông dân Bình Phước làm nông nghiệp bằng wifi, công nghệ IoT
- [05/05/2023] Đem cây dại về trồng, nông dân Chợ Đồn bán được cả chục triệu đồng/kg
- [05/05/2023] HTX tự phối trộn thức ăn chăn nuôi: Chuyện không dễ
- [04/05/2023] HTX thanh long Thuận Tiến: Chinh phục thị trường châu Âu, nâng cao thu nhập cho thành viên
- [04/05/2023] Chuỗi liên kết chanh dây giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu