Nông dân Bình Phước làm nông nghiệp bằng wifi, công nghệ IoT

|

Phát triển gần 800 ha mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, HTX Phước Thiện là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Bình Phước ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch đến chế biến.

Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết: “Từ khi áp dụng chuyển đổi số, chi phí của HTX đã giảm 15-40%, mang lại hiệu quả tốt hơn. Hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa kiểm soát được độ ẩm của đất cũng như lượng nước phù hợp, từ đó tiết kiệm nhân công, nước tưới”.

Làm nông nghiệp hiện đại

Được biết, HTX Phước Thiện thuộc huyện Bù Đốp là một trong 5 mô hình thí điểm được tỉnh Bình Phước chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng.

Theo đó, đến nay, HTX Phước Thiện được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT, camera giám sát vườn cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Nông dân Bình Phước đang "sống khỏe" nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất (Ảnh: Trần Trung).

Đồng thời, HTX được tập huấn ứng dụng kỹ thuật thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc, quản lý điều hành hoạt động. Qua nền tảng công nghệ số, HTX cũng chủ động được các khâu tìm kiếm thị trường qua các kênh thương mại điện tử.

“Sản xuất theo công nghệ giúp thành viên HTX nắm rõ các thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm, điều chỉnh tưới nước, bón phân từ xa chỉ bằng điện thoại thông minh. Qua đó hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Viết Vị nói.

Hiện, dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh, nhưng nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ số, mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với HTX Phước Thiện, HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cũng là đơn vị điểm được tỉnh Bình Phước lựa chọn thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đến nay, HTX được đầu tư máy tính, máy in, camera quan sát, hệ thống tưới, chăm sóc tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT… lắp đặt cho 2 ha hồ tiêu và hoa hồng chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững.

Thúc đẩy vùng sản xuất lớn

Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX Phước Thiện, cho hay với công nghệ IoT, người nông dân có thể dùng điện thoại hoặc máy tính tưới nước, tưới phân cho vườn cây mọi lúc, mọi nơi, chủ động chăm sóc từ dinh dưỡng đến độ ẩm.

“Sau thời sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, đến nay nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thành viên HTX đã giảm được nhiều chi phí, không phụ thuộc vào nhân công lao động thuê từ bên ngoài, trung bình 1 ha, nông dân giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/tháng”, ông Chung chia sẻ.

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh Bình Phước chú trọng, đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ trong thời gian qua, với một trong những điểm tựa đến từ HTX.

Kết quả, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: cấp 19 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 2.000 ha. Hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic. Nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử...

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; cấp mã vùng trồng; hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai; tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi cho cán bộ, nông dân, HTX…

Với những thành công hiện tại, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, đến năm 2025 hình thành 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với khoảng 1.000-2.000 ha.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu khai thác có hiệu quá các mô hình liên kết giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp với đô thị sinh thái - khu dân cư - du lịch - cảnh quan trên địa bàn Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành. Phát triển khoảng 200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu xây dựng được 955 nhãn hiệu các loại, trong đó có 10 nhãn hiệu sản phẩm có chứng nhận, 600 nhãn hiệu thông thường, 15 nhãn hiệu tập thể, 50 sản phẩm OCOP, được cấp 250 mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cấp được 30 cơ sở…

Hiện, tỉnh Bình Phước đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha. Các loại cây trồng chủ lực như điều, hồ tiêu, cây cao su, cây ăn trái và chăn nuôi lợn, gà, dê... đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, ưu tiên chế biến, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từng bước tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, thế giới đang được thực tỉnh thực hiện quyết liệt.

Bên cạnh phát huy những thành công đang có, theo chuyên gia, để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Bình Phước cần khắc phục một số tốn tại như hạ tầng số, nền tảng số trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa có điều kiện để tiếp cận các hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp, phần mềm quản lý, thu thập dữ liệu về điều kiện tự nhiên, diễn biến thời tiết, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Các trang thiết bị máy tính, kết nối chưa đồng bộ, hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp gặp khó khăn…

Theo VN Business