Nông dân Hậu Giang 'nghĩ lớn, làm lớn'

|

Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ nông dân từ bỏ sản xuất manh mún, chuyển sang xây dựng chuỗi, làm giàu trên những cánh đồng lớn.

Như tại huyện Châu Thành A, sau gần 10 năm triển khai các chương trình hỗ trợ, huyện đã quy hoạch, xây dựng thành công các vùng liên kết, trong đó hình thành 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa với tổng diện tích 800ha và một cánh đồng số hóa với tổng diện tích 80ha.

Liên kết làm cánh đồng lớn

Đáng chú ý, trên những cánh đồng lớn ở Châu Thành A, nhiều HTX, tổ hợp tác đã được hình thành, trở thành cầu nối cho người nông dân, thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với diện tích khoảng 5.000ha trên địa bàn các xã như: Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn.

Đơn cử, tại xã Trường Long Tây có HTX Phước Trung đang là đầu tàu liên kết, hỗ trợ nông dân từ sản xuất, chuyển giao công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ.

Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Phước Trung, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả thấp nên HTX đã liên kết bà con lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa, cũng như được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn”.

HTX đang là điểm tựa để nhiều nông dân thành công trên những cánh đồng lớn (Ảnh: BHG).

Chính nhờ sản xuất khoa học, HTX liên tục nâng cao diện tích, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm.

Hiện tại, HTX có 100ha đất lúa ở ấp Trường Thọ A và Trường Phước A được hộ liên kết canh tác theo chuẩn VietGAP, với sản lượng cung ứng mỗi năm hơn 2.000 tấn.

Ngoài ra, HTX còn có hơn 300ha sản xuất lúa hàng hóa, 40ha sản xuất lúa giống và ở mỗi vụ canh tác đều có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua một phần hoặc 100%.

Ngoài cây lúa, hiện huyện Châu Thành A cũng quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo điều kiện canh tác của từng địa phương sẽ gắn với loại cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện liên kết giữa các nhà vườn cùng doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Văn Quang, thành viên nhóm liên kết xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho hay hiện nhóm có 22 thành viên. Nhờ liên kết, việc canh tác xoài của nhà vườn nơi đây đạt hiệu quả hơn rất nhiều.

Trong mỗi vụ, từ lúc xử lý xoài ra bông đến khâu thu hoạch, nhất là trong giai đoạn xoài trước trổ bông đến bao trái đều được các nhà vườn trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình. Kết quả, thu nhập của các hộ liên tục được nâng lên, hiện đạt bình quân 70 – 250 triệu đồng/hộ/năm.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có 22 HTX nông nghiệp, 70 THT và nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu, thu mua các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong huyện như: sản phẩm lúa, xoài cát Hòa Lộc, nhãn ido, cam sành, chanh không hạt, sầu riêng,...

Biến tiềm năng thành hiện thực

Châu Thành A chỉ là một trong những điển hình trong chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang nghĩ lớn, làm lớn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang những năm qua.

Thực tế cho thấy, tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kế cận thành phố Cần Thơ là một điều kiện thuận lợi trong giao lưu, mở rộng kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và tiểu vùng Bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa Tứ giác tăng trưởng Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang, tỉnh Hậu Giang có vai trò trung tâm trong giao lưu kinh tế, đi liền với những lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp.

Những năm qua, tỉnh đã xác định 5 loại nông sản chủ lực, gồm lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát, lươn đồng. Đồng thời, tỉnh có 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch là khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày và các nông sản có giá trị cao khác để tập trung đầu tư.

Từ việc xác định rõ các mặt hàng chủ lực và đặc trưng giúp ngành nông nghiệp huyện có cơ sở thúc đẩy, kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, cũng như xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của từng địa phương trong tỉnh.

Với những thành công đang có, thời gian tới tỉnh Hậu Giang dự kiến tiếp tục tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn theo thứ tự ưu tiên thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo.

Trong đó, lấy thủy sản và trái cây làm chủ lực cùng với phát triển lúa gạo hợp lý làm nền tảng đảm bảo an ninh lương thực nội tỉnh, quốc gia trong mọi tình huống. Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy (chủ yếu là sản xuất lúa) sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

Theo VN Business