Nông dân Ngũ Lạc liên kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế bền vững

|

Dù đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, song nông dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) vẫn chưa thu được hiệu quả như mong muốn do vẫn còn sản xuất theo hình thức cá thể, đầu ra của nông sản phụ thuộc vào thương lái… Trong bối cảnh đó, HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc ra đời nhằm giải quyết những khó khăn này.

Huyện Duyên Hải là địa phương có diện tích trồng màu khá lớn, chủ yếu tập trung ở các xã Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu và Đông Hải. Tuy nhiên, sản xuất màu luôn gặp nhiều khó khăn khi vào vụ thu hoạch, “được mùa, mất giá” luôn diễn ra thường xuyên với người trồng.

Thành lập HTX để hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Trước những khó khăn trên, thông qua mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tạo sự an tâm cho người sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm…

-5514-1685089442.jpg

 Xã Ngũ Lạc có thổ nhưỡng thích hợp cho việc canh tác 01 vụ lúa - 02 vụ màu.

Là địa phương có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 60% dân số toàn xã, những năm qua, xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ các dự án, chương trình giảm nghèo. Từ đó, cuộc sống của người dân địa phương từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Xã Ngũ Lạc có thổ nhưỡng thích hợp cho việc canh tác 01 vụ lúa - 02 vụ màu. Theo thống kê, trên địa bàn xã, diện tích trồng màu có hơn 2.000ha, chủ yếu sản xuất rau ăn lá các loại, ớt, đậu phộng, bắp, dưa hấu,…Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhận thấy người dân trên địa bàn sản xuất theo hình thức cá thể, nhỏ lẻ, giá cả đầu ra của sản phẩm nông sản phụ thuộc vào thương lái, không ổn định. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về các chính sách đối với HTX về ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản…Đồng thời, thông qua các mô hình sản xuất, liên kết hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, với sự tham gia của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã vận động 100% các thành viên tham gia vào tổ hợp tác, HTX cùng ngành nghề (trồng màu) để cùng nhau phát triển.

Từ xu thế đó, năm 2018, HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc (ấp Sóc Ruộng) đã được thành lập gồm 56 thành viên do ông Lâm Thành Cảnh làm Giám đốc, với tổng vốn góp 498 triệu đồng.

“HTX ra đời với mục đích hỗ trợ nông dân, thành viên HTX tiêu thụ nông sản; hướng dẫn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân, thành viên HTX có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho nông dân tham gia, liên kết hoạt động”, Giám đốc HTX Ngũ Lạc cho biết.

Đến nay, trong điều kiện giá cả thị trường của mặt hàng nông sản luôn biến động, HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc luôn bảo đảm cho nông dân và thành viên HTX tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, HTX cùng chính quyền địa phương xây dựng xã đạt chuẩn NTM với các dự án mô hình trồng rau trong nhà lưới, xây dựng, phát triển vùng chuyên canh trồng ớt tại các xã Ngũ Lạc, Đôn Châu.

Mô hình cần nhân rộng

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã ký kết với 03 doanh nghiệp sản xuất bắp giống, giống đậu bắp được trên 40ha, với giá bao tiêu sản phẩm đầu ra 9.000 đồng/kg/đậu bắp; 11.500 đồng/kg bắp giống cho nông dân. Qua đó đã tạo được niềm tin cho thành viên và nông dân trong đầu tư sản xuất, giúp người dân yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả cao.

-6497-1685089442.jpg

Giám đốc Lâm Thành Cảnh bên các sản phẩm được HTX liên kết thu mua trong nông dân. (Ảnh: TL)

Để có thu nhập ổn định trong trồng màu, nông dân tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp; thông qua đó, người sản xuất sẽ tham gia liên kết hoặc sản xuất theo yêu cầu của từng mùa vụ với các đầu mối thu mua nông sản.

Ông Thạch Mươi (ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân) cho biết, gia đình có 0,1ha đất chuyên trồng màu, nhờ có liên kết trong sản xuất, nên thu nhập từ trồng màu mang lại khá cao. Với chu kỳ sản xuất khoảng 04 vụ màu/năm (trồng luân phiên các loại màu: hành, khổ qua, dưa leo…), cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ. Các sản phẩm màu ở đây còn được HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc thu mua.

Theo ông Lâm Thành Cảnh, năm 2022, đơn vị đã thu mua nông sản (màu các loại) của nông dân trên địa bàn xã đạt khoảng 04 tấn/ngày và diện tích được đơn vị thu mua chiếm khoảng 30%; ngoài ra, đơn vị còn liên kết, thu mua ở các xã xung quanh. Nhờ thực hiện "mua tận rẫy, bán tận nơi” nên người trồng màu có thêm giá trị gia tăng luôn cao hơn so với các thương lái từ 20 - 25%. Riêng năm 2023, đơn vị có liên kết và mở rộng thêm sản phẩm đậu bắp xanh Nhật và bao tiêu với nông dân, ngoài các sản phẩm truyền thống như ớt, cà chua, hành…

Được biết, để thực hiện tốt việc liên kết và phát triển trồng màu, xã Ngũ Lạc đã được đầu tư các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trồng màu khép kín (nhà lưới) gắn với tưới tiết kiệm nước.

Hiện toàn xã có 15 nhà lưới và 62 tổ hội nghề nghiệp với 1.746 thành viên; 02 chi hội nghề nghiệp với 69 thành viên; 21 tổ hợp tác với 310 thành viên và 03 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với 182 thành viên.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, việc HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc phát triển với mục tiêu hỗ trợ thành viên và nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian qua đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về mô hình phát triển kinh tế tập thể của các thành viên HTX nói riêng và nông dân các vùng lân cận nói chung. Đây không chỉ là cách để HTX phát triển bền vững mà còn là hướng tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, tạo điều kiện thực hiện thành công tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện. Đồng thời, tạo được sự uy tín với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về cơ hội hợp tác phát triển với HTX.

Do đó, mô hình HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc là mô hình phát triển kinh tế tập thể cần được các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện để nhân rộng phát triển hơn nữa.

Theo VN Business