Nông dân tăng thu nhập nhờ tham gia mô hình kinh tế HTX

|

Các mô hình kinh tế HTX không chỉ giúp thành viên, nông dân tăng thu nhập, mà còn mà còn giữ vai trò quan trọng làm thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn ở Lai Châu.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: HTX được thành lập đã mang lại rất nhiều lợi ích như quy mô sản xuất được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX cũng tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ vào HTX

Trước đây, anh Đặng Văn Ca ở bản Thống Nhất, xã Bình Lư làm nghề lái xe ô tô cho một công ty, nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá hơn.

Sản phẩm miến dong của HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư được thị trường ưa chuộng.

Ban đầu, anh được HTX hỗ trợ kết nối vay vốn để đầu tư máy móc làm miến. Tận dụng diện tích đất khoảng 3.000 m2, anh trồng cây dong riềng để phục vụ nguyên liệu làm miến, nhằm giảm chi phí mua ngoài.

Anh Ca chia sẻ: "Hiện, gia đình tôi có quy mô hơn 200 phên phơi miến. Những ngày nắng, người làm miến dong rất bận rộn. Hàng ngày, hai vợ chồng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ, làm từ 2-3 mẻ miến mỗi ngày. Mỗi mẻ gồm 6 thùng bột với 72 kg bột và thu được hơn 30 kg miến khô".

Các sản phẩm miến dong của HTX đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. So với làm nghề nông nghiệp khác thì làm miến dong mang lại thu nhập cao hơn. "Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất khoảng 7 - 8 tấn bột dong, bán ra thị trường 5 - 6 tấn miến khô. Trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 100 triệu đồng. Sau hơn 2 năm làm miến, chúng tôi đã trả hết số tiền vay ban đầu là 200 triệu đồng. Cùng đó, xây dựng thêm được cơ sở sản xuất miến khang trang”, anh Ca cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư cho biết, sau 4 năm triển khai, đến nay, mỗi năm HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Nhờ có tư cách pháp nhân là HTX, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, nhờ đó sản phẩm miến dong của HTX từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

"Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động với mức lương trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và 20 - 30 lao động thời vụ vào mùa cao điểm những tháng cuối năm", ông Ánh hồ hởi cho biết.

Mô hình HTX mới đang dần thay thế mô hình cũ

Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết, huyện Tam Đường có 44 HTX, với tổng vốn điều lệ đăng ký 141.075 triệu đồng. Các HTX đã quy tụ được gần 500 thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Mỗi HTX có doanh thu sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 450 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân 1 thành viên đạt 40 triệu đồng/năm.

Các HTX trên địa bàn huyện từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Thành viên HTX tích cực đổi mới phương thức quản lý, tiết kiệm triệt để chi phí, ổn định giá thành sản phẩm, tăng cường phân tích nhu cầu của thị trường. Đồng thời, liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Nhờ đó, mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn huyện bước đầu được hình thành, thay thế mô hình HTX kiểu cũ.

Một số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu biểu và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm 8 sản phẩm: Miến dong (HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư); cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê (HTX Du lịch và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn), Mật ong hoa tự nhiên (HTX Ong Vàng); Chuối tươi Tam Đường (HTX Nông nghiệp xanh Tam Đường); Bộ bàn ghế mây đan Bản Giang (HTX Mây tre đan Bản Giang).

Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con xã Bình Lư sáng tạo ra miến dong đậu xanh, đậu đen. Sản phẩm miến mới này đang được khách hàng cả nước ưa chuộng, bởi khi nấu chín, sợi miến mềm hơn và có mùi thơm của đỗ, khác với loại miến thông thường trước đó. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bình Lư.

Thời gian tới, xã Bình Lư tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng dong để đảm bảo nguồn nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình cấp mã vạch cho sản phẩm; chỉ đạo nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo VN Business