Nông dân xứ Nghệ tự tin làm nông nghiệp sạch
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, ngành nông nghiệp thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy liên kết, thành lập các HTX để nâng cao giá trị canh tác cho người dân.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đang là hướng đi mang lại nhiều giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Với tư duy khác biệt, nông dân tự tin tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, thu lợi nhuận vượt trội.
Tự tin đổi mới làm giàu
Trong quá trình đổi mới sản xuất ở xã Nghĩa Thuận, HTX công nghệ cao Nông Thịnh được thành lập với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”. Những năm qua, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên.
Trong chuỗi phát triển sản phẩm sạch trong nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.
Những thay đổi trong tư duy sản xuất đang giúp nhiều nông dân ở Thái Hòa làm giàu. |
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, với diện tích 2.500m2 sẽ cho ra 1.300 trái dưa với sản lượng gần 3 tấn (mỗi trái nặng 1,5 - 2kg), mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 - 200 triệu. Trong một năm, thành viên HTX có thể sản xuất 3 vụ dưa lưới với tổng sản lượng trên 20 tấn dưa lưới và 1 vụ dưa chuột, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng”, Giám đốc Trần Hoài Thanh chia sẻ.
Nhờ sản xuất ổn định, 100% thành viên HTX đang có mức thu nhập cao. Người lao động HTX có thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, HTX là địa chỉ tin cậy của nông dân địa phương đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình.
Cùng với Nghĩa Thuận, xã Tây Hiếu cũng đang có những thành công ấn tượng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả cao cho người dân. Một trong những mô hình nổi bật tại Tây Hiếu là mô hình vườn mẫu, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.
Trên diện tích gần 1 ha đất vườn trước đây gia đình ông Ngô Sỹ Thể xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu chủ yếu trồng cà phê, chanh sau đó thực hiện cải tạo vườn tạp, gia đình đã chuyển sang trồng cây ăn quả gồm mít thái và na. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc cũng chỉ mang tính tự phát, hiệu quả thấp.
Đầu năm 2022, qua khảo sát UBND thị xã Thái Hòa đã quyết định chọn vườn của gia đình để xây dựng vườn chuẩn. Theo đó, gia đình đã được các cấp hỗ trợ về cây giống, vốn để lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết kế lối đi cho khu vườn được thông thoáng.
Hình thành chuỗi giá trị
“Việc tổ chức sản xuất khoa học giúp các loại cây ăn quả trong vườn nhà tôi sinh trưởng tốt hơn, các loại chi phí đầu vào như giống cây, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm 30-55%. Giá trị kinh tế dự kiến sẽ tăng bình quân 50-60 triệu/ha/năm”, ông Thể phấn khởi nói.
Theo người dân xã Thái Hòa, lợi ích của mô hình vườn mẫu không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường sinh thái. Tham gia xây dựng vườn mẫu, nông dân được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học độc hại.
Đáng chú ý, mô hình vườn mẫu trở thành điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới ở thị xã Thái Hòa. Riêng năm 2022, Thái Hòa đã hỗ trợ để xây dựng thành công 2 vườn chuẩn tại xã Tây Hiếu và Nghĩa Thuận. Hiện, việc xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới nâng cao ở thị xã Thái Hòa đã trở thành phong trào lan rộng, tạo nên những khu vườn vừa đẹp, vừa có giá trị kinh tế cao.
Theo UBND thị xã Thái Hòa, hiện trên địa bàn thị xã đã có 4 đơn vị sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn như: Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An quy mô 2.800 con bò vắt sữa đã được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế; trang trại trồng nho, dưa lưới, rau quả an toàn trong nhà màng quy mô 5ha và trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 1.000 con của Công ty TNHH Nông nghiệp Hùng Cường và trang trại chăn nuôi lợn sạch quy mô 800 con của HTX Nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Viet GAP.
Với những kết quả đang có, trong giai đoạn tới thị xã Thái Hòa dự kiến tiếp tục ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn với nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Mục tiêu là nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân lên 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Thị xã cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các HTX, tổ hợp tác, ưu tiên các đơn vị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi thân thiện với môi trường, có thế mạnh của địa phương, hướng tới thành lập các chuỗi giá trị với sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, gồm nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và các HTX, doanh nghiệp.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [30/05/2023] Nỗ lực giữ gìn tinh hoa làng nghề của một HTX
- [30/05/2023] Giải bài toán 'phát triển nóng' chanh tứ mùa
- [30/05/2023] Thoát nghèo và làm kinh tế giỏi ở Phú Giáo từ mô hình hay của HTX
- [29/05/2023] Nâng cao giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp thông minh
- [29/05/2023] Trồng lúa hữu cơ, trúng thêm con tôm đồng