Nuôi gà không khó nhờ có HTX

|

Bên cạnh thịt lợn, thịt gà vẫn luôn được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn để phục vụ bữa ăn gia đình. Để phát huy thế mạnh của loại thực phẩm này, nông dân ở thành phố Hà Nội đã phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi nhằm giải quyết đầu ra hiệu quả, đạt giá trị cao.

Là Thủ đô nhưng Hà Nội lại có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Đặc biệt là lợi thế về đất đai với nhiều vùng đồi gò thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm.

Lợi ích cho thành viên và người tiêu dùng

Hơn nữa, tỷ lệ người sinh sống ở vùng nông thôn ở các quận huyện còn khá cao nên nhiều người dân, thành viên HTX nông nghiệp coi chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị chính là một nghề để phát triển kinh tế.

Như tại HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú (huyện Quốc Oai), nhờ phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hoạt động sản xuất của HTX đã chuyên nghiệp, bài bản hơn. Qua đó giúp các thành viên có thu nhập khá và ổn định.

Hoạt động sản xuất của HTX Yên Hòa Phú chia thành 2 chuỗi bao gồm, chuỗi gà thương phẩm và chuỗi gà đẻ trứng. Ngoài bán gà thịt thương phẩm, trứng gà, HTX còn xuất ra thị trường sản phẩm gà thịt hút chân không.

Đặc biệt, HTX đang chăn nuôi 2 giống gà đặc sản là gà đen H'mông và gà ri lai Mía. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường gần 100 tấn gà thương phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng giúp mang về thu nhập bình quân cho mỗi thành viên khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú Lê Đình Bình cho biết, với HTX, những hộ thành viên luôn chú trọng làm ăn nghiêm túc để liên kết chuỗi với các công ty chân chính, có sự quản lý của Nhà nước, có sự giám sát, kiểm soát của Trung tâm phát triển nông nghiệp- Sở nông nghiệp và các ban ngành trên địa bàn huyện và thành phố Hà Nội.

Với ưu thế vùng gò đồi rộng lớn, cây rừng tốt tươi, nguồn nước đá ong trong xanh lại được kiểm chứng hàng năm, xung quanh khu vực chăn nuôi không có khu công nghiệp đã tạo môi trường chăn nuôi gà đồi sạch tối ưu

Đặc biệt, nhờ tổ chức chăn nuôi gà đồi theo chuỗi, hoạt động sản xuất của các thành viên được chuyên nghiệp hóa. Nếu như trước đây người dân chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm thì nay có nhật ký ghi chép đầy đủ, có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Các thành viên HTX được phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có tổ kỹ thuật, tổ kinh doanh, tổ kiểm soát, hạch toán. Do đó, đầu ra sản phẩm luôn hài hòa với sản xuất.

Liên kết trong chăn nuôi mở hướng đi hiệu quả cho người dân, thành viên HTX.

Cùng phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có HTX Tùng Dương (huyện Sóc Sơn) khi chú trọng phát triển 2 sản phẩm là thịt gà và trứng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX chăn nuôi thương mại và đầu tư Đoài Phương (thị xã Sơn Tây) với sản phẩm gà mía thịt và gà mía giống, trong đó, sản phẩm gà mía thịt đạt OCOP 3 sao. Và một trong những đơn vị không thể không nhắc tới đó là HTX chăn nuôi là tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì) với sản phẩm tiêu biểu là gà đồi hút chân không đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, với 59 chuỗi có nguồn gốc động vật. Trong đó một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động hiệu quả đến từ các HTX chăn nuôi gà.

Các HTX này đã chú trọng ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn với tổng quy mô 300 nghìn con tại 63 điểm với khoảng 400 hộ tham gia ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng...

Đặc biệt, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất chăn nuôi đến tiêu thụ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho HTX, người chăn nuôi mà còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý.

Phát triển theo hướng khép kín

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, cho biết để xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh... HTX đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn chăn nuôi với đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện giết mổ, đóng gói, từ đó tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn nhận từ thực tế cho thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi gà và tiêu thụ sản phẩm đang khắc phục những khó khăn của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay như: Được mùa - mất giá, ô nhiễm môi trường..., qua đó thúc đẩy nâng cao thu nhập cho chính thành viên, nông dân và đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô. Đây cũng là tiền đề để ngành chăn nuôi của Hà Nội có bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, các chuỗi giá trị này vẫn đang gặp không ít thách thức đó là việc ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi an toàn, hữu cơ vào chăn nuôi gà. Trong đó có việc, một số HTX chưa thể đầu tư công nghệ một cách đồng bộ mà mới ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Điều này khiến các HTX chưa thực sự tạo được sự đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Ông Bùi Đắc Đô, Giám đốc HTX Đô Phát (huyện Chương Mỹ) cho biết dù đã hình thành được chuỗi giá trị thông qua việc liên kết với doanh nghiệp nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gà vẫn chưa thực sự rộng mở, không ổn định. Khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp.

Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến hoạt động chăn nuôi gà của các HTX gặp khó khăn. Trước tình hình này, nhiều HTX đã phải tính toán lại phương thức sản xuất như giảm đàn gà đẻ trứng và đàn gà thịt.

Trong khi đó, do 2 năm ảnh hưởng bởi dịch và hiện vẫn đang ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên các HTX vẫn đang thiếu vốn để tái sản xuất. Vì vậy, hầu hết các HTX đều có nguyện vọng được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục xây dựng chăn nuôi gà theo hướng khép kín.

Theo VN Business