Phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn

|

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, dự thảo đề xuất phân loại hợp tác xã theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn.

Theo dự thảo, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như sau:

Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 30 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 01 tỷ đồng.

Hợp tác xã nhỏ có không quá 100 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 15 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định trên.

Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định trên.

Hợp tác xã lớn có từ 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm từ 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy định trên.

4 loại hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng

Dự thảo đề xuất, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng được phân loại gồm:

Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 50 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 5 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 02 tỷ đồng.

Hợp tác xã nhỏ có không quá 200 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 20 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định trên.

Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm dưới 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định trên.

Hợp tác xã lớn có từ hơn 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm từ 150 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.

Hợp tác xã lớn lĩnh vực thương mại-dịch vụ có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm

Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ (gồm cả giao thông vận tải) được phân loại gồm:

Hợp tác xã siêu nhỏ có không quá 100 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Hợp tác xã nhỏ có không quá 300 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 30 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 10 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ theo quy định.

Hợp tác xã vừa có không quá 500 thành viên chính thức được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ theo quy định.

Hợp tác xã lớn có từ hơn 500 thành viên chính thức trở lên được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và tổng doanh thu của năm từ hơn 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ hơn 50 tỷ đồng trở lên.

Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được phân loại theo quy định của pháp luật về các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo Báo Chính Phủ