Phát triển du lịch làng nghề, giúp người dân nâng cao thu nhập
Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng đang được coi là một hướng đi tất yếu để vừa phát triển du lịch vừa giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Để du lịch làng nghề phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, việc phát triển mô hình HTX trong các làng nghề là một xu hướng tất yếu nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, từ đó giúp thành viên và người lao động nâng cao thu nhập.
Định vị du lịch làng nghề
Tại làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chiềng Châu, ông Hà Trọng Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái trở thành một trong những nghề mũi nhọn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa quảng bá văn hóa của người Thái tới du khách trong nước và quốc tế.
Cấp ủy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện để làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và sự kiện lớn của huyện, tỉnh.
Trải qua nhiều khó khăn, song các hộ dân xóm Chiềng Châu tích cực tham gia làng nghề với khoảng 50 hộ. Làng nghề giải quyết việc làm cho trên 60 lao động, thu nhập đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều hộ mạnh dạn liên kết với nhau thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu. Từ khi thành lập đến nay, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu có nhiều hoạt động sáng tạo để bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, cải thiện sinh kế cho phụ nữ trên địa bàn.
Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu chia sẻ: 100% sản phẩm của HTX được dệt bằng tay. HTX liên kết với 52 hộ trong xóm. Sản phẩm của HTX đã vươn tới các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản.
Năm 2021, sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhằm quảng bá giá trị độc đáo các sản phẩm thổ cẩm tới du khách trong và ngoài nước, HTX đã giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên, thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng/lao động.
Chị Ma Thị Hằng, thành viên HTX cho biết: Thời điểm thành lập HTX dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự kiên định, lòng yêu nghề, cùng cách làm hiệu quả, đúng đắn của HĐQT HTX, doanh thu HTX liên tục tăng từng năm. Các sản phẩm của HTX đã tạo được tiếng vang không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới. HTX không ngừng cải tiến mẫu mã, cho ra mắt những sản phẩm mới theo nhu cầu của khách hàng
“Sản phẩm giờ đã có thị trường tiêu thụ nên công việc khá ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông. Để sản phẩm làm ra ngày càng hấp dẫn khách, ngoài thời gian làm việc ở HTX, buổi tối, chị em ở đây tranh thủ cùng nhau nghiên cứu trao đổi để cho ra các mẫu sản phẩm mới”, chị Hằng chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm du lịch từ thế mạnh
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 làng nghề.
Du lịch làng nghề sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
Trong đó có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách.
Xây dựng môi trường du lịch văn hoá tại làng nghề thông qua một số hoạt động như: Giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư làng nghề có văn hoá giao tiếp với khách du lịch, tập huấn ngắn hạn tại làng nghề nhằm trang bị cho cán bộ địa phương và nhân dân làng nghề những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch.
Hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề như mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông ra - vào làng nghề, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề.
Đặc biệt, môi trường cảnh quan của làng nghề có tác động mạnh đến tâm lý của du khách. Do đó, không gian sản xuất cũng cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ nhằm tạo thiện cảm với khách tham quan.
Những công đoạn sản xuất tại làng nghề phải được bố trí riêng và có phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Đây chính là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển du lịch làng nghề đã từng được các chuyên gia chia sẻ góp phần xoá đói giảm nghèo tại nông thôn.
“Có thể khẳng định, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn”, ông Lưu Duy Dần nói.
Như vậy, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch làng nghề là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái. Hơn thế nữa, du lịch làng nghề được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả sẽ góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Việt Nam đến với du khách thế giới. Đồng thời, phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [08/05/2023] Nâng cao thu nhập bằng nghề làm muối truyền thống
- [08/05/2023] Nông dân Đắk Nông thu ‘vàng’ từ canh tác xanh
- [08/05/2023] Gỡ 'nút thắt' cơ giới hóa trong HTX
- [05/05/2023] Nông dân Bình Phước làm nông nghiệp bằng wifi, công nghệ IoT
- [05/05/2023] Đem cây dại về trồng, nông dân Chợ Đồn bán được cả chục triệu đồng/kg