QUỸ TDND VĨNH THÁI: TÍCH CỰC HỖ TRỢ THÀNH VIÊN SẢN XUẤT KINH DOANH, TRÁNH TÌNH TRẠNG "TÍN DỤNG ĐEN" TRÊN ĐỊA BÀN

|

Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Thái, được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hoà cấp Giấy phép hoạt động, Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hoà cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khai trương hoạt động từ tháng 6/1998. Địa bàn đang hoạt động gồm 03 xã liền kề là xã Vĩnh Thái, xã Vĩnh Hiệp và xã Vĩnh Trung thuộc thành phố Nha Trang.

Quỹ tín dụng nhân dân là đơn vị kinh tế tập thể, hoạt động trong lĩnh vực trung gian tiền tệ nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của Thành viên.

Hội đồng quảng trị Quỹ Tín dụng nhân dân Vĩnh Thái

Hoạt động của Quỹ được chi phối bởi 02 luật là Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã. Trong suốt quá trình hoạt động Quỹ luôn nhận được sự quan tâm và tranh thủ sự chỉ đạo nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, sự hỗ trợ đắc lực về chính sách Pháp luật liên quan đến hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa, phát huy sự năng động, sáng tạo và đoàn kết phấn đấu của cán bộ, nhân viên, thành viên của Quỹ tín dụng, hoạt động Quỹ ngày được phát triển an toàn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa phát biểu tại Đại hội thành viên thường niên Quỹ TNDN Vĩnh Thái

Sau 24 năm hoạt động, số người tham gia Quỹ luôn được duy trì ổn định và có chất lượng theo qui định của Luật Hợp tác xã và Thông tư 04/NHNN về Qui định hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Hàng năm Quỹ thực hiện kết nạp mới, cho ra thành viên, trả vốn góp theo đúng qui định. Đến cuối năm 2022, số người tham gia vào Quỹ tín dụng là 1.961, trong đó có 16 cá nhân chờ Đại hội thành viên xác lập tư cách Thành viên.

Nguồn vốn hoạt đông của Quỹ luôn tăng qua các năm. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn hoạt động đạt là 46 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (85- 94%) trong tổng nguốn vốn hoạt động. Chỉ tiêu này thể hiện niềm tin đối với Quỹ của nhân dân trong và ngoài địa bàn hoạt động không ngừng tăng lên. Trong hoạt động, Quỹ chú trọng công tác tuyên truyền, thái độ ứng xử trong kinh doanh, luôn tạo điều kiện cho người gửi và người rút tiền nhanh chóng thuận lợi, đảm bảo bí mật tuyệt đối tiền gửi của khách hàng, không để nhầm lẫn sai sót làm ảnh hưởng đến uy tín của Quỹ và niềm tin của nhân dân, đảm bảo khả năng chi trả kịp thời, tham gia đóng bảo hiểm tiền gửi đầy đủ. Chủ động được nguồn vốn cho vay và gửi vốn điều hòa tại Ngân hàng Hợp tác Việt Nam.

Song song với công tác huy động vốn, công tác cho vay luôn chặt chẽ thận trọng, đảm bảo đúng qui trình nghiệp vụ và qui định của ngành. Xác định việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn trong công tác tín dụng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Quỹ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên vay vốn và trả vốn, đồng thời quan tâm đến những thành viên yếu thế (thành viên là nữ không có tài sản thế chấp để vay vốn), Quỹ cho vay thông qua sự bảo lãnh của các Hội Phụ nữ xã trên địa bàn. Quỹ đã cùng Hội Phụ nữ xã ký kết văn bản thoả thuận “Cho Hội viên Phụ nữ là thành viên của Quỹ vay vốn giải quyết nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục vụ sinh hoạt đời sống”, Mô hình này đã đi vào hoạt động gần 20 năm, đã cho hơn 2.500 lượt hội viên phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ  có thời điểm đạt hơn 18 tỷ đồng, hạn chế và khắc phục, trình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn.

Ngoài ra Quỹ còn liên kết với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tiểu thương của Hội phụ nữ xã cho hơn 50 thành viên của câu lạc bộ vay vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ trên địa bàn và tại chợ Vĩnh Thái, thông qua hình thức tiết kiệm hàng ngày để trả nợ cho Quỹ đúng hạn và cuối mỗi chu kỳ vay các chị còn có tích luỹ để tăng thu nhập cho gia đình. Với những hoạt động cho vay - tiết kiệm – thu nợ, quá trình sử dụng vốn của các thành viên Câu lạc bộ tiểu thương ngày càng hiệu quả hơn và thu hút được nhiều chị em tham gia.

Cán bộ Quỹ TNDN Vĩnh Thái

Đặc biệt năm 2020, năm 2021 trước diễn biến phức tạp đại dịch Covid – 19 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng thu nhập không ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, để góp phần đồng hành chia sẻ khó khăn, HĐQT đã quyết địnhn thực hiện  gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay mới thu nợ cũ, giảm lãi suất cho vay … Góp phần hỗ trợ thành viên ổn định khó khăn trong và sau thời gian dịch. Đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đạt 36 tỷ đồng, của hơn 700 thành viên vay vốn. Việc cho vay luôn đảm bảo kiểm soát được vốn vay, thành viên vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả và trả được nợ cho Quỹ tín dụng.

Từ hoạt động kinh doanh, thu nhập hàng năm của Quỹ đều tăng so năm trước. Quỹ thực hiện kê khai và nộp thuế theo đúng qui định, (Quỹ nộp Thuế môn bài kinh doanh , nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đầy đủ) không để nợ thuế. Hàng năm sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu thành viên, Quỹ tiến hành phân phối lợi nhuận đúng tình thần Nghị quyết Đại hội thành viên và qui định của Bộ tài chính, lãi vốn góp của Thành viên được đảm bảo chi trả tử 8%- 14%/năm.

Thành viên giao dịch tại Quỹ

Đến nay, qua hơn 24 năm hoạt động, mặc dù các chỉ tiêu phát triển còn nhiều khiêm tốn so với mức độ phát triển bình quân chung của các QTDND trên cả nước, xong chúng ta có thể khẳng định: Hoạt động của các QTDND đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín dụng nói riêng và kinh tế nông thôn, kinh tế hợp tác nói chung, là kênh huy động vốn, dẫn vốn và đầu tư cần thiết đối với người dân và hộ gia đình đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn.  Đồng thời dưới tác động của Nghị quyết 13-NQ/TW,  cùng với những chủ trương chính sách ưu đãi đối với kinh tế tập thể như: chính sách về thuế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính sách đất đai, hỗ trợ công nghệ … HĐQT luôn nhận thức sâu sắc về quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, lãnh đạo hoạt động của Quỹ luôn hướng đến lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể làm chính, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, nên hoạt động kinh doanh của Quỹ đã đạt được nhiều kết quả ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của thành viên trên địa bàn hoạt động, hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở nông thôn, đóng góp thiết thực cho địa phương trong thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Thực hiện: H.H