Sản phẩm OCOP đặc sắc 'nở rộ' trong nông thôn mới Krông Pa
Sau nhiều năm nỗ lực, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phát triển ổn định và bền vững.
Cuối tháng 11 vừa qua, huyện Krông Pa chính thức cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 cho 15 sản phẩm, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí, chuyển hồ sơ và sản phẩm mẫu đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng 4 sao OCOP cho 2 sản phẩm.
Sản phẩm OCOP vươn tầm
15 sản phẩm của 8 chủ thể đạt chứng nhận 3 sao, với các sản phẩm đặc sắc như: bò một nắng Hưng Lê của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Chư Gu; ba chỉ heo một nắng Tý Vân, bê cuộn hấp sẵn Tý Vân (hộ kinh doanh Tý Vân); bò một nắng, măng le rừng, heo sọc dưa một nắng, bò khô miếng (hộ kinh doanh Ngọc Thạch)…
Đối với 2 sản phẩm của 2 chủ thể đạt từ 70-100 điểm, được đề nghị 4 sao OCOP, gồm: bò một nắng Nguyệt Viên Food (hộ kinh doanh Hà Quyết) và bò một nắng Tuấn Hậu (hộ kinh doanh quán ăn Tuấn Hậu).
Sản phẩm OCOP ở Krông Pa đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân (Ảnh: Lê Nam). |
Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết thời gian qua, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký logo, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng website, đăng ký sở hữu trí tuệ...
Ngoài ra, các sản phẩm được hỗ trợ quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện và tỉnh tổ chức, được quảng bá trên sàn thương mại điện tử, hội nghị xúc tiến thương mại. Đồng thời, huyện hỗ trợ các chủ thể sản xuất quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Thành quả từ tái cơ cấu sản xuất
Với 15 sản phẩm vừa được công nhận, huyện Krông Pa hiện có khoảng trên 30 sản phẩm OCOP, hầu hết các sản phẩm đều đang mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo địa phương.
Chị Lý Anh Vân, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm Bò một nắng Tý Vân, một trong 2 sản phẩm đầu tiên của huyện được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, cho hay việc có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là điều kiện thuận lợi để cơ sở xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mỗi năm, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 7-8 tấn sản phẩm, tăng khoảng 30-40% so với trước khi có chứng nhận OCOP”, chị Vân chia sẻ.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Krông Pa (Ảnh: Lê Nam). |
Để có được kết quả tích cực như hiện tại, theo lãnh đạo UBND huyện, là thành quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương. Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã lồng ghép triển khai các mô hình, dự án đưa các loại cây - con giống có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất.
Những năm qua, huyện đã triển khai 35 mô hình, dự án với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Điển hình, hỗ trợ giống mì KM419, KM 140 với diện tích 355 ha; chuyển giao cây điều ghép giống PN1, AB29 và AB05-08 với diện tích gần 500 ha; chuyển đổi giống lúa mới LH12, Đài Thơm 8, Hồng Ngọc Óc Eo tại một số cánh đồng với diện tích 212 ha; hỗ trợ cây ăn quả cho các làng xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sản xuất thử nghiệm 7 ha giống lạc L14; tưới tiết kiệm nước cho cây điều với diện tích 10 ha; chăn nuôi bò lai, chăn nuôi nông hộ...
Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện có sự đóng góp tích cực của các HTX. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi xã của huyện hiện có ít nhất 1-2 HTX, cùng nhiều tổ hợp tác, trở thành cầu nối liên kết hàng trăm thành viên, nông dân phát triển sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, huyện Krông Pa đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân làm thủ tục thành lập HTX. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tập huấn cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn, xây dựng phương án hoạt động cho các HTX…
Điểm tựa cho nông thôn mới
Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP là điểm tựa để Krông Pa đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua. Hiện, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện là 12,8 tiêu chí/xã, huyện không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí/xã.
Thành công trong xây dựng nông thôn mới đang góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của huyện theo hướng khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được quan tâm, thực hiện tốt hơn.
Kết cấu hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư phát triển một cách đồng bộ, đúng theo quy hoạch và xu thế phát triển. Hệ thống giao thông được cứng hóa và bê tông hóa gần như hoàn toàn, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống 9 công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tốt công tác tiêu thoát và cấp nước; 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, 100% xã xây dựng nông thôn mới có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu.
Trên cơ sở những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Krông Pa đặt mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới theo từng năm. Cụ thể, năm 2023, phấn đấu xã Chư Gu đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2024 xã Chư RCăm đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2025 phấn đấu xã Ia Rsươm, ChưDrăng đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại bình quân tiêu chí hàng năm tăng từ 1 - 2 tiêu chí.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Krông Pa tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã được lựa chọn về đích giai đoạn 2023-2025; phấn đấu mỗi xã hoành thành 1-2 tiêu chí/năm, đến năm 2025 có 14 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả, mang tính dài hạn phù hợp quy hoạch chung của huyện và tình hình thực tế của địa phương.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [06/02/2024] Chuỗi giá trị nông sản chủ lực tạo vị thế vững chắc cho ‘vùng cửa ngõ’ của Bến Tre
- [06/02/2024] Sản xuất quy mô lớn mở cánh cửa giảm nghèo
- [06/02/2024] Học nghề truyền thống để thoát nghèo
- [06/02/2024] 'Đòn bẩy' kinh tế hợp tác 'mở lối' đi lên cho người dân Đạ Tẻh
- [06/02/2024] Hiệu quả giảm nghèo từ trồng cây bản địa