Sản xuất lúa hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao
Nhờ mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao: Gieo trồng bằng máy bay nông nghiệp không người lái cùng quy trình gieo trồng nghiêm ngặt, nên chất lượng gạo Khu Cháy, huyện Ứng Hòa, Hà Nội ngày càng khẳng định được thương hiệu, chất lượng.
Vùng lúa hàng hóa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy. Ảnh: VGP/Ánh Ngọc.
Bà Cao Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa cho biết, Hợp tác xã được thành lập năm 2017, với tổng số 30 thành viên, Hội đồng quản trị có 7 người.
Hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm trồng và chế biến các sản phẩm lúa gạo.
Những năm đầu thành lập đi vào hoạt động Hợp tác xã Đoàn Kết gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng địa điểm, cũng như vốn và vấn đề thị trường, kinh nghiệm hoạt động, đặc biệt trong tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh...Tuy nhiên, với quyết tâm và đoàn kết của các thành viên trong Hợp tác xã chúng tôi vẫn cố gắng học hỏi, mạnh dạn để vượt qua.
Trong năm 2019, được sự quan tâm của huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ cho Hợp tác xã, kết hợp với Viện nghiên cứu Giống cây trồng Trung ương xây dựng thành công nhãn hiệu gạo tập thể mang địa danh "Gạo chất lượng Khu Cháy".
Thời gian qua, Hợp tác xã đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để tổ chức sản xuất gạo đảm bảo quy trình chất lượng gạo thơm, dẻo ngon, giữ nhãn hiệu gạo chất lượng Khu Cháy ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, đáp ứng sản lượng gạo ra thị trường, Hợp tác xã đã mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao: Gieo trồng bằng máy bay nông nghiệp không người lái.
Theo đó, việc gieo trồng bằng máy bay nông nghiệp thông minh không người lái đã giúp giảm được 85% công lao động, đem lại hiệu quả cao. Đồng thời Hợp tác xã đã liên kết mở rộng sản xuất, gieo trồng những cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 338ha, toàn bộ các giống lúa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và nhân lúa giống cho các công ty giống, các cánh đồng ở từng huyện.
Trên địa bàn huyện Ứng Hòa hiện có 8.350ha trồng lúa, trong đó, các giống lúa chất lượng cao chiếm 67,9% tổng diện tích. Để nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo, huyện Ứng Hòa đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" và được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận năm 2018. Nhờ có thương hiệu và liên kết chuỗi nên giá bán gạo được cao hơn và đã xuất hiện ở các kênh phân phối hiện đại.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa với nông dân 4 xã: Quảng Phú Cầu, Kim Đường, Hòa Lâm, Liên Bạt với tổng diện tích khoảng 400ha. Đơn vị đã đầu tư hệ thống sấy thóc theo dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại để đưa sản phẩm "Gạo chất lượng Khu Cháy" vào các siêu thị, cửa hàng gạo chất lượng cao. Tiêu biểu như Hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Trung bình mỗi vụ, Hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện với giá thành ổn định.
Với những kết quả đạt được, theo bà Cao Thị Thủy: Hiện nay Hợp tác xã chúng tôi đang mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ cao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp và thuê lại các diện tích ruộng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của các huyện còn để bỏ hoang hóa và đã cải tạo thành cánh đầu mẫu lớn, đồng thời áp dụng máy bay nông nghiệp thông minh vào các khâu sản xuất và đã thành công. Đơn vị còn ký hợp đồng liên kết với 2.181 hộ dân trong 10 Hợp tác xã của 10 thôn trên địa bàn của 4 huyện.
Vì vậy, để có thể mở rộng sản xuất và thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, huyện Ứng Hòa cần tạo điều kiện giúp đỡ cho Hợp tác xã Đoàn Kết yên tâm phát triển, cũng như vấn đề quỹ quỹ đất để chế biển sau thu hoạch, bảo quản thóc gạo. Đồng thời hỗ trợ tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, thu mua, bao tiêu gạo cho các Hợp tác xã, góp phần ổn định sản xuất và một phần thu nhập cho các hộ tham gia liên kết sản xuất với Hợp tác xã Đoàn Kết.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn để nông dân áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lúa theo hướng an toàn, tận dụng chế phẩm sinh học an toàn cho cây lúa, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [09/01/2023] HTX NTTS du lịch Vân Phong hướng đến liên kết với các trường, viện, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ lồng khung HDPE vào nuôi biển công nghệ cao
- [22/02/2022] Đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã
- [27/12/2021] Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã dịch vụ bảo vệ môi trường
- [21/07/2021] Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương
- [29/06/2021] Biểu dương, nhân rộng các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả