Sản xuất quy mô lớn mở cánh cửa giảm nghèo

|

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đang giúp huyện Yên Định (Thanh Hóa) giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo hiệu quả.

Xác định chỉ có sản xuất quy mô lớn mới nâng cao được hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Yên Định đã vận động các hộ dân dồn điền đổi thửa, tích tụ, tập trung ruộng đất; từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.

Tích tụ ruộng đất

Tại HTX dịch vụ Nông nghiệp Định Tân, thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, HTX đã vận động người dân dồn điền đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất rộng lớn lên đến 40 ha. Trên diện tích này, HTX tiến hành trồng bí đỏ, dưa chuột lấy hạt để cung cấp cho doanh nghiệp.

Trong quá trình sản xuất, HTX chịu sự giám sát từ doanh nghiệp ngay từ khi đưa cây giống ra trồng đến lúc thu hoạch. Khi sâu bệnh đến ngưỡng, công ty hướng dẫn thành viên, người dân dùng thuốc sinh học để phun đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly. Do sản phẩm an toàn, đầu ra ổn định, cho thu nhập cao. Trung bình 1 năm, các hộ trồng bí, dưa thu lãi từ 220- 240 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất này cao hơn cấy lúa trước đây nhiều lần và giúp người dân yên tâm về đầu ra.

Cũng quan tâm đến sản xuất quy mô lớn, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Định Tiến (xã Định Tiến) đã cùng người dân chuyển đổi, thuê đất để triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ 10 ha với 34 hộ dân tham gia. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX liên kết với doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp giống cho HTX, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên theo quy trình hữu cơ.

-7277-1703757375.jpg

Tích tụ ruộng đất quy mô lớn tạo thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện, HTX Định Tiến sản xuất theo nguyên tắc "5 không": không chất bảo quản, không chất tạo mùi, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng giống biến đổi gen.

Đồng thời, quy trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học.

Đặc biệt, quy trình chế biến và đóng gói sản phẩm được liên kết với doanh nghiệp. Hiện, sản phẩm gạo hữu cơ Hưng Phúc đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Mô hình trồng lúa hữu cơ được đánh giá là cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa thông thường. Chính vì vậy, ngoài xã Định Tiến, người dân các xã Định Long và thị trấn Quý Lộc cũng đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa hữu cơ trên quy mô 10 ha mỗi địa phương.

Để tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn, việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn huyện Yên Định được triển khai theo hình thức chuyển nhượng, thuê đất và góp vốn liên kết sản xuất bằng quyền sử dụng đất. Và hiện, hình thức góp vốn liên kết sản xuất bằng quyền sử dụng đất đang được nhiều người dân, HTX thực hiện.

Thông qua việc tích tụ, tập trung đất đai, hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tăng ít nhất từ 2-3 lần trở lên so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.

Số hộ nghèo giảm chỉ còn 1,06%

Nhờ đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đến nay, Yên Định đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, 1.000 ha ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bí, dưa chuột đã được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, đem lại giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha năm. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được gần 90 trang trại chăn nuôi đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để chăn nuôi gà, lợn.

Huyện đã có 111 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT với quy mô trên 30.000 - 400.000 con gia súc, gia cầm. Các trang trại đều được đầu tư bài bản, quy mô, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trong phát triển kinh tế hàng hóa, huyện Yên Định chú trọng vai trò của mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, huyện đã có 55 HTX. Tất cả các HTX nông nghiệp đều sản xuất theo quy mô lớn nhờ đẩy mạnh liên kết, tích tụ ruộng đất. Hầu hết các HTX này đã liên kết với doanh nghiệp và nông dân để thực hiện các hợp đồng liên kết, sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm như mở cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, với các sản phẩm chủ yếu như: lúa thương phẩm, nấm, mộc nhĩ, rau, quả an toàn… Tổng doanh thu của các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Định đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, huyện đã thu hút và thành lập được 624 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này không chỉ tham gia sản xuất kinh doanh đơn thuần mà còn tích cực liên kết với các HTX, người dân để sản xuất quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp thực hiện thuê đất của người dân để sản xuất và thuê người dân làm lao động. Từ đó, giúp người dân có việc làm, thu nhập trên chính mảnh đất của mình.

Bên cạnh đó, khi tham gia mô hình liên kết sản xuất, các hộ dân được chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn, nên sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Định đến cuối năm 2022 đạt 62 triệu đồng/năm, tăng 13% so với năm 2021, đóng góp tích cực vào hoạt động giảm nghèo của huyện.

Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, số hộ nghèo toàn huyện còn 617 hộ (1,26%), giảm 0,3%, tức giảm từ 1,56% xuống còn 1,26% (giảm 147 hộ nghèo; từ 764 hộ xuống còn 516 hộ). Ước đến 31/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 0,2% còn 1,06% (tương ứng giảm 100 hộ nghèo, số hộ nghèo ước tính còn 516 hộ).

Hướng đến tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%

Thực tế chứng minh, việc phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và quy mô lớn ở Yên Định đang là hướng đi hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người nghèo, người cận nghèo. Như trong năm 2022, nhờ kinh tế trang trại, sản xuất quy mô lớn, huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.716 lao động tại địa phương.

Việc tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh.

Thông qua những mô hình này, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng.

Tích tụ ruộng đất cũng giúp ngành nông nghiệp địa phương được tổ chức theo quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất phân tán tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đây chính là nền tảng để nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, đẩy nhanh quá trình giảm nghèo.

Tuy nhiên, đối với một huyện được coi là vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa như Yên Định thì số lượng các mô hình liên kết hiệu quả như hiện nay vẫn còn quá ít. Điều này được cho là do nông dân, HTX, doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn nhất định trong tích tụ ruộng đất, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo quy mô lớn.

Ông Phạm Ngọc Loát, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Định Long, cho biết việc cấp đất, cho thuê đất đối với HTX để làm trụ sở, xây dựng nhà kho, nhà bán hàng, sân phơi phục vụ cho dịch vụ sản xuất và mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến HTX chưa thể phát huy hết nguồn lực của mô hình HTX.

Chính vì vậy, theo ông Loát, UBND huyện cần đề xuất cấp có thẩm quyền cụ thể hóa nội dung chính sách tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể. Trong đó có thực hiện một số chính sách đất đai đối với kinh tế tập thể để gỡ khó cho nông dân, HTX.

Có thể thấy, để tích tụ ruộng đất, phát triển quy mô lớn bền vững, huyện Yên Định cần có cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, huyện cần tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Có như vậy, Yên Định mới thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả, tránh dẫn đến tái nghèo. Đây cũng là đòn bẩy vững chắc để huyện hướng đến cuối 2025, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống dưới 0,5%

Theo VN Business