Tạo đòn bẩy cho sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp
Phát triển những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, được gắn sao OCOP, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân chính là những yếu tố nền tảng để tỉnh Đồng Tháp thúc đấy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua.
TP Hồng Ngự là một trong những điểm sáng, tập trung phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Đồng Tháp. Năm 2022, trên địa bàn thành phố có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có 10 sản phẩm mới và các sản phẩm đăng ký lại của năm 2019.
Dành nhiều nguồn lực đầu tư
Bước sang những tháng đầu năm 2023, các ngành, các cấp TP Hồng Ngự tiếp tục vận động các cơ sở khởi nghiệp có sản phẩm tiềm năng (các loại tinh dầu, mật ong, trà các loại, rượu...), sản phẩm truyền thống (khô, mắm, nước mắm, patê, chả lụa...) tham gia chương trình OCOP.
Kết quả của chương trình OCOP là một trong những yếu tố quan trọng giúp TP Hồng Ngự có được những thành công tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Hiện, trên địa bàn thành phố có 2/2 xã (Tân Hội và Bình Thạnh) thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tính đến hết quý I/2023, xã Tân Hội đạt 19/19 tiêu chí (đã gửi hồ sơ đăng ký chờ UBND tỉnh xét công nhận). Riêng xã Bình Thạnh đạt 15/19 tiêu chí, địa phương phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm nay.
Theo đại diện UBND TP Hồng Ngự, để có được kết quả trên, thành phố đã hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025. Trong đó, tiếp tục trọng tâm phát triển 4 ngành hàng chủ lực: lúa, cá tra, cây ăn trái, lươn.
Các sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp đang mang lại giá trị cao cho người dân (Ảnh: BĐT). |
Các ngành, các cấp trên địa bàn TP Hồng Ngự cũng chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình tiên tiến, cách làm hay trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nhân rộng các mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính, mô hình ương, nuôi lươn tuần hoàn, mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mô hình trồng hoa kiểng...
Cùng với TP Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh cũng đang là địa phương điểm đang phát triển các sản phẩm thế mạnh được gắn sao OCOP ở Đồng Tháp. Điển hình có thể kể đến Tổ hợp tác (THT) Sản xuất Dịch vụ Xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, đưa sản phẩm xoài Cao Lãnh – một sản phẩm OCOP thế mạnh của Đồng Tháp, đi khắp cả nước.
Ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng THT, cho biết trong đầu tháng 5/2023, các thành viên THT đang thu hoạch lô xoài cung cấp cho một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
“Hiện, doanh nghiệp đang thu mua xoài cát Chu của THT với giá từ 40 ngàn - 45 ngàn đồng/kg (trọng lượng xoài từ 300 gr trở lên/trái). Với mức giá này, các thành viên trong THT rất phấn khởi, bởi vì bao công sức, cực khổ khi sản xuất theo hướng hữu cơ đều được thu về giá trị xứng đáng”, ông Hiệp nói.
Những năm gần đây, nhờ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trái cây sạch, an toàn của thị trường nội địa tăng mạnh, doanh nghiệp đến đặt hàng tại THT ngày càng nhiều. Thấy có lợi, nhiều nông dân đã chủ động xin tham gia THT. Hiện tại, THT có 19 thành viên với quy mô sản xuất 12ha.
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP
Một điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP tại Đồng Tháp là các HTX, THT đóng vai trò tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 HTX với gần 56 nghìn thành viên. Ước tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 3.000 người, thu nhập bình quân 74 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 1.120 THT, bình quân khoảng 45 thành viên/THT. Doanh thu bình quân năm 2022 của THT ước 255 triệu đồng, lãi bình quân của THT là 70 triệu đồng.
Khi tham gia vào THT, HTX, thành viên và người lao động được tham gia học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP...
Điển hình như Sản phẩm “Gạo Ngọc đỏ hương dứa” (đạt chứng nhận OCOP 3 sao) của HTX Giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
HTX Giống nông nghiệp Định An hiện có trên 30 thành viên, tổng diện tích sản xuất lúa hơn 110 ha, trong đó có 6ha chuyên sản xuất lúa giống. Nhờ cánh đồng lớn hữu cơ, cùng sản phẩm gạo đỏ được gắn sao OCOP, HTX đang mạnh dạn phát triển du lịch sinh thái.
Có thể thấy, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp những năm qua đang có được kết quả rất tốt. Trong năm 2023, tỉnh cũng vừa công bố kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân. Góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; phấn đấu hỗ trợ 9 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia.
Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 chủ thể OCOP mới là HTX. Có ít nhất 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mỗi huyện, thành phố thực hiện xây dựng tối thiểu 1 chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định (tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực: lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen và các ngành hàng có tiềm năng: nhãn, quýt hồng, chăn nuôi vịt, heo, bò,...).
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [17/05/2023] Thu tiền tỷ từ liên kết nông dân nuôi gà sinh học
- [17/05/2023] HTX tìm hướng đi từ ngành công nghiệp không khói
- [17/05/2023] Nhờ trồng sản vật quê hương, HTX có doanh thu hơn chục tỷ đồng/năm
- [16/05/2023] 'Bỏ túi' 3 tỷ mỗi năm nhờ nuôi vịt biển
- [16/05/2023] Giảm nghèo bền vững ở vùng đệm U Minh Thượng từ ‘bệ phóng’ HTX