Thoát nghèo nhờ trồng cây 'vua các loại hạt'

|

Với nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), cây trồng mắc ca đã đem tới nguồn thu nhập chính, cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Trong đó, nhiều hộ dân đã tham gia HTX Nông nghiệp Long Việt nhằm phát triển bền vững loại cây trồng này.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). HTX Nông nghiệp Long Việt đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi Tuy Đức, với mô hình trồng và sản xuất mắc ca.

‘Có đồng ra đồng vào’ để trang trải cuộc sống

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Việt, HTX được thành lập vào cuối năm 2019, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn sản phẩm mắc ca chưa chế biến và gần 30 tấn sản phẩm mắc ca qua chế biến. Với số lượng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã chiếm tới 60%, từ khi phát triển mô hình trồng cây mắc ca, đời sống đồng bào địa phương thay đổi rõ rệt.

Bà Dung cho biết, bà con dân tộc thiểu số ngày càng gắn bó với cây mắc ca. Hiện diện tích cây mắc ca của các thành viên trong HTX Nông nghiệp Long Việt là 138 ha, mắc ca của các thành viên và các bà con sau khi được thu hoạch sẽ do HTX thu mua và đưa đi chế biến. Đồng thời, nếu sản lượng lớn thì HTX cũng hỗ trợ bà con liên kết với các doanh nghiệp khác đưa về chế biến.

Tại vùng biên giới Bu Prăng 1, xã Quảng Trực có 87 hộ dân, đa phần là đồng bào M’nông, đời sống còn lạc hậu, phong tục tập quán nhiều tồn tại. Từ khi chính quyền huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hướng dẫn kỹ thuật trồng và sản xuất mắc ca, thu nhập bà con được nâng cao, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ông Điểu Toih, dân tộc M’nông, Ban Công tác Mặt trận Bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) chia sẻ: Mỗi năm, cây mắc ca cho thu hoạch 2 vụ, giúp mỗi hộ gia đình thu khoảng 2 tấn mắc ca, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn. Cùng với đó, từ khi HTX Nông nghiệp Long Việt được thành lập, đã giúp tư vấn, hướng dẫn bà con canh tác hợp lý.

Dù trước đây đã từng trồng bơ, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất cây mắc ca, chị Hà Thị Tin (dân tộc Thái, trú bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) mới bắt đầu có “đồng ra đồng vào”, trang trải cuộc sống, cho con ăn học.

“Trước đây, đồng bào trồng cây cà phê nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng từ khi trồng cây mắc ca đã phát triển phù hợp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định theo từng vụ. Tôi suy nghĩ nên nhân rộng mô hình này cho đồng bào khu vực biên giới để bà con phát triển kinh tế”, chị Tin bày tỏ.

HTX là ‘bà đỡ’ cho người nghèo

Hiện, HTX Nông nghiệp Long Việt có 22 thành viên chính thức và 45 thành viên liên kết, trong đó các thành viên dân tộc thiểu số tại chỗ và vùng miền chiếm hơn 70%. Nhờ hoạt động tốt, HTX liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động thời vụ, đa số là người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chuyển đổi sang trồng mắc ca

Vào cuối năm 2022, với mong muốn cùng người dân vượt khó vươn lên, HTX đã hỗ trợ cho 6 hộ gia đình là hộ nghèo 100 cây mắc ca/mỗi hộ, kèm theo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho những thành viên khó khăn xây, sửa nhà hay giải quyết vấn đề khó khăn trong sinh hoạt đời sống, tổ chức các chương trình thăm hỏi, hỗ trợ các hộ khó khăn là thành viên của HTX.

Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch HĐND xã Quảng Trực, hiện nay, toàn xã có hơn 3.000 hộ, với hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Trực còn hơn 60%, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 90%.

Mắc ca là loại cây trồng mới được đưa vào khảo nghiệm và phát triển trên vùng đất Quảng Trực nhưng đã cho thấy hiệu quả kinh tế khá ổn định, phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo tính toán, khi vào thời kỳ kinh doanh, mắc ca đạt năng suất 1 tấn quả/ha, với giá bán như hiện nay cho doanh thu từ 90 đến 100 triệu đồng.

Ở Quảng Trực, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chuyển đổi sang trồng mắc ca. Với tiềm năng đất nông nghiệp hiện có, Quảng Trực có thể mở rộng diện tích cây mắc ca lên đạt 800ha. Đảng ủy xã Quảng Trực cũng xác định mắc ca là một trong những cây xóa nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đạt mục tiêu bình quân mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5%.

Theo VN Business