Thoát nghèo và làm kinh tế giỏi ở Phú Giáo từ mô hình hay của HTX

|

Xã Tam Lập và An Bình là hai địa phương điển hình của huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đang phát triển những mô hình hay của các HTX nông nghiệp kiểu mới, quy tụ các hộ dân sản xuất, kinh doanh cùng chung một sản phẩm, có cùng sở thích, có liên kết tiêu thụ đầu ra, thích ứng với cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần giúp cho nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi mang lại thu nhập tốt.

Với tổng diện tích canh tác trên 200 ha, HTX Nông nghiệp Tam Lập ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập đang phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi như heo, bò, gà, cá và các loại ăn trái như cam, chanh, bưởi, chuối, tiêu, cùng với hệ thống nhà lưới trồng các loại rau củ ngắn ngày khác.

Mang lại thu nhập cao cho nông dân

Mỗi ngày, HTX thu hoạch khoảng 50 loại rau củ quả để bán ra thị trường. Sản lượng bưởi đạt hơn 10 tấn/ha, chanh không hạt đạt hơn 50 tấn/ha, chuối đạt hơn 15 tấn/ha.

-6000-1685332211.jpg

HTX Nông nghiệp Tam Lập mang lại thu nhập cao cho các thành viên.

Ông Nguyễn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Lập, cho biết các loại cây ăn trái đều được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được theo dõi kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch nông sản. 

“Chính vì vậy, nông sản được cung cấp ra thị trường bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng giá trị hàng hóa. Qua đó đóng góp tích cực vào sự gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn”, ông Chiến chia sẻ

HTX Nông nghiệp Tam Lập được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Phú Giáo, đã phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với Nông nghiệp Tam Lập, hiện nay, xã Tam Lập đang thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đến năm 2025. 

Theo đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất và tham gia kinh tế hợp tác. Ngoài ra, toàn xã có 30 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, từ khâu sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tự động hóa chuồng nuôi, cho đến chế biến thịt thương phẩm… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt mức hơn 76,1 triệu đồng/năm. 

Trong xã Tân Lập có nhiều nông dân vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi với thu nhập mỗi năm từ 80 - 150 triệu đồng trở lên. Xã cũng không để phát sinh số hộ nghèo và tạo điều kiện giúp các hộ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi. 

Một điểm sáng khác tại xã Tam Lập khi địa phương có đến 78 hộ dân tộc thiểu số nhưng không có hộ nào rơi vào diện hộ nghèo. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất canh tác nên có điều kiện để phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, tạo thu nhập cao. 

Nhờ kết hợp nhiều cách chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo hiệu quả, chính quyền xã Tam Lập không chỉ đẩy lùi mà còn hướng đến xóa nghèo bền vững cho các hộ dân trong những năm tới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh hiện chỉ còn 3 hộ, chiếm 0,34%.

Thích ứng với cơ chế thị trường

An Bình cũng là một trong những xã ở huyện Phú Giáo đang phát triển mạnh kinh tế hợp tác. Đơn cử như HTX dịch vụ - nông nghiệp Bình Dương được thành lập năm 2015, hiện có 44 thành viên. Đây là đơn vị đầu tiên thành công đưa giống na dứa Đài Loan về trồng tại Việt Nam. 

-9520-1685332211.png

Phát triển mạnh kinh tế hợp tác ở xã An Bình giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.

Tới đây, HTX sẽ ra mắt thêm mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp công nghệ cao để thu hút khách đến tham quan mô hình trồng na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim.

Bên cạnh đó, xã An Bình còn có HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long. Cách đây 2 năm, HTX đã đón nhận chứng chỉ GlobalGAP sản phẩm dưa lưới công nghệ cao cho thị trường Đông Nam Á và Trung Đông.

HTX hiện có 45 thành viên, với diện tích trồng dưa lưới gần 13ha. Với mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hình thức nhà kín, công nghệ cao, HTX đã giúp cho chi phí sản xuất của người nông dân giảm khoảng 20%, giảm tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh, giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động, bảo vệ môi trường và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. 

Tất cả sản phẩm của Kim Long từ trồng đến phân phối đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1.030 tấn sản phẩm, cho doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn xã An Bình có 1 tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu gồm 18 thành viên; 6 tổ liên kết hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò, trồng nấm, trồng dưa lưới công nghệ cao; 3 HTX chuyên về trồng dưa lưới công nghệ cao, gốm mỹ nghệ, xây dựng. Thời gian tới, xã An Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức đúng đắn về kinh tế tập thể, có chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển.

Có thể thấy, việc phát triển mô hình kinh tế từ các hộ dân sản xuất, kinh doanh cùng chung một sản phẩm, có cùng sở thích, có liên kết tiêu thụ đầu ra là tiền đề quan trọng để các mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả ở huyện Phú Giáo. 

Nhất là các HTX trong huyện không ngừng đổi mới thích ứng với cơ chế thị trường, có sự liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của huyện Phú Giáo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần giúp cho những hộ nghèo, cận nghèo và nông dân huyện Phú Giáo vươn lên thoát nghèo, thoát nghèo bền vững. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện hàng năm đều giảm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.     

                                                                             Theo VN Business