'Thủ phủ' rau cần Hoàng Lương hối hả vào Tết, bán ra thị trường hàng trăm tấn mỗi ngày
Từ đầu tháng Chạp đến hết Tết Nguyên đán, khắp các ngả đường ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhộn nhịp ô tô vào ra đưa rau cần đi tiêu thụ. Những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất hữu cơ, rau cần liên tục được mùa trúng giá.
Theo lãnh đạo UBND xã Hoàng Lương, những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2024, mỗi ngày “thủ phủ” rau cần của tỉnh Bắc Giang cung cấp ra thị trường trên dưới 150 tấn sản phẩm, tăng 30 - 35 tấn/ngày so với các thời điểm trong năm.
Tiêu thụ mạnh, thu nhập tăng
Thời điểm này, giá bán rau cần tại ruộng dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với cách đây hai tháng. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao song do thời tiết lạnh sâu, người dân gặp khó khăn khi phải lội ruộng ngập nước thu hoạch rau, có thời điểm không kịp đáp ứng các đơn hàng.
“Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu rau cần trên thị trường sẽ tăng mạnh, giá rau cần theo đó có thể cũng tăng lên, mang lại nguồn thu tốt hơn cho các hộ sản xuất”, đại diện UBND xã Hoàng Lương cho hay.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày xã Hoàng Lương bán ra thị trường gần 150 tấn rau cần (Ảnh: BBG). |
Xã Hoàng Lương có vùng trồng rau cần tập trung quy mô lớn bậc nhất phía Bắc. Năm 2023, toàn xã có gần 185 ha, trồng tại các thôn Thanh Lâm, Thanh Lương, Đại Thắng, Đồng Hoàng và Ninh Giang.
Anh Quách Văn Hoàng, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau cần Hoàng Hậu thôn Thanh Lâm, cho biết rau cần có thời gian thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Năm 2023, năng suất rau bình quân đạt trên 40 tấn/ha/lứa, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/ha.
Những năm gần đây, bên cạnh tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, HTX Hoàng Hậu đã kết nối tiêu thụ tại nhiều chợ đầu mối, điển hình như chợ Long Biên (Hà Nội). Hiện, chỉ riêng gia đình anh Hoàng đã có 2 - 3 xe ô tô vận chuyển liên tục. Từ tháng Chạp, lượng hàng lớn nên HTX thường xuyên thuê 30 - 40 lao động.
Rau cần Hoàng Lương có vị giòn, ngọt đặc trưng, trở thành món ăn ngon trong bữa cơm của nhiều gia đình. Vào dịp cuối năm, món ăn này càng được nhiều gia đình ưa thích. Khác với cấy lúa, ruộng trồng rau cần sâu khoảng 0,8 - 1 m, bờ xây bê tông để giữ nước cho cây vươn cao. Sau từ 40 - 45 ngày trồng, bà con thu hoạch một lứa rau.
Có công nghệ, không sợ thời tiết
Hiệu quả của mô hình trồng rau cần đang giúp Hoàng Lương là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế nông thôn ở Hiệp Hòa. Đáng chú ý, thời gian qua, các HTX, hộ sản xuất đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình canh tác.
Điển hình như ở HTX Sản xuất tiêu thụ rau cần - cá giống Lý Hùng, thôn Thanh Lương, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và các đối tác, HTX đã chủ động chuyển hướng sản xuất từ VietGAP sang nông nghiệp hữu cơ, với hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại.
Được biết, từ đầu năm 2019, HTX đã đẩy mạnh đầu tư kinh phí xây dựng nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 2.000 m2. Đáng chú ý, đây là một trong những mô hình sản xuất rau cần hữu cơ đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, rau cần Hoàng Lương đang tăng cả lượng và chất, thu nhập cao (Ảnh: BBG). |
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện HTX, cho hay nhờ hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại, hoạt động sản xuất của HTX giảm thiểu được những tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan. Hệ thống nhà lưới cũng giúp HTX tránh được nhiều loại côn trùng, sâu bệnh gây hại, từ đó giảm thiểu các loại chi phí đầu vào.
Cùng với đó, HTX sử dụng sản phẩm phân bón vi sinh nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Khi áp dụng quy trình hữu cơ, rau cần cho thu hoạch sớm hơn so với sản phẩm trồng theo phương thức thông thường ở điều kiện tự nhiên từ 10-12 ngày, năng suất, chất lượng nâng lên.
Cùng với HTX Lý Hùng, xã Hoàng Lương đang có gần 10 HTX khác đang hoạt động tích cực, trở thành đầu tàu dẫn dắt các hộ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, môi trường.
Đáng chú ý, nhiều HTX đã tích cực đầu tư phát triển bao bì để nâng cao độ nhận diện thương hiệu, đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự minh bạch trong sản xuất khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đến nay, trong số gần 185 ha sản xuất rau cần ở Hoàng Lương thì có khoảng 141 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (tăng 17 ha so với năm 2022), 30 ha đạt tiêu chuẩn OCOP, còn lại là rau sản xuất công nghệ cao, rau an toàn.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hữu cơ, rau cần Hoàng Lương những năm qua liên tục nâng cao về chất lượng và năng suất. Chất lượng vượt trội cũng là chìa khóa giúp rau cần Hoàng Lương có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, lên kệ trong nhiều siêu thị lớn.
Theo lãnh đạo UBND xã Hoàng Lương, thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời quan tâm cứng hóa giao thông và thủy lợi nội đồng để sản xuất, vận chuyển thuận lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [06/02/2024] Giám đốc HTX đau đáu với đam mê đông trùng hạ thảo
- [23/06/2023] HTX ăn nên làm ra từ làm đậu phụ '3 không'
- [23/06/2023] 'Làn gió mới' từ các HTX nông nghiệp giúp nông dân Cần Giuộc vươn lên
- [21/06/2023] Nước cạn, HTX nuôi cá lồng gặp hạn
- [21/06/2023] Tăng lợi thế cạnh tranh cho HTX từ giống bản địa