Tìm đầu ra cho nông sản: Nhìn từ cách làm độc đáo với vải thiều Bắc Giang
Những ngày đầu tháng 6, trên những triền đồi ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), quả vải thiều đã bắt đầu cho thu hoạch. Bên cạnh việc đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, các đơn vị thu mua còn kết hợp với các hợp tác xã triển khai các mô hình tham quan du lịch và biểu diễn thời trang nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.
Nằm trong chuỗi sự kiện Xúc tiến thương mại Xây dựng và Phát triển thương hiệu quả vải thiều xuất khẩu GLOBAL GAP Bắc Giang, lấy cảm hứng từ trái vải thiều, mang phong cách thiết kế độc và lạ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp & Du lịch sinh thái Giáp Sơn cùng thế hệ trẻ Bắc Giang đã tổ chức Show trình diễn thời trang mang tên "The Art Of Lychee".
Ý tưởng độc đáo
Khác với những sàn runway bằng phẳng, lộng lẫy ánh đèn và âm nhạc sống động, lần đầu tiên tại Việt Nam, khán giả được đón xem trình diễn thời trang giữa khu vườn vải thiều. Khu vườn rộng gần 15ha, hàng ngày bận rộn tưới tiêu, thu hoạch bỗng chốc hóa thành không gian trình diễn có một không hai. Những con đường đất có chút gập ghềnh, rợp bóng mát và xum xuê trái quả sẽ là sàn runway mới lạ và đầy thú vị ngay cả với dàn mẫu nhiều kinh nghiệm.
Những bộ trang phục được lấy cảm hứng từ vải thiều trong buổi trình diễn. |
Trao đổi với phóng viên Vnbusiness, ông Ngô Duy Dương - Giám đốc sản xuất, người khởi xướng ý tưởng làm show thời trang vải thiều cho biết, từ ý tưởng tới thực thi chỉ vỏn vẹn ít ngày, có ý tưởng là bắt tay vào làm luôn. Để tổ chức chương trình này Công ty Phúc Lâm đã đưa ekip hơn 100 người từ Hà Nội, thậm chí là Sài Gòn về.
Cũng theo ông Dương, mỗi vùng miền tại nhiều nước Châu Âu đều có các hoa hậu, hoa khôi, đại sứ nông sản và quảng bá rất tốt cho du lịch, trái cây địa phương. Để thực sự nâng tầm trái vải quê hương, nên nhìn ở một góc độ khác, trái vải không chỉ là một nông sản đơn thuần mà còn là một đại sứ văn hóa, quảng bá con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
"Tôi tham khảo trên thế giới có rất nhiều mô hình quảng bá nông sản hay, đặc biệt là kết hợp du lịch, trải nghiệm văn hóa như các cuộc thi Hoa hậu bò sữa, hoa hậu nông sản, đại sứ nông sản,.. và gần đây tại Việt Nam thì các show thời trang cũng đang dần trở thành xu thế. Vậy tại sao lại không có những cuộc thi người đẹp về vải thiều, một show thời trang riêng về vải thiều,.. chắc chắn sẽ rất thu hút", ông Dương nói.
Những thành viên HTX bước trên sàn biểu diễn cùng những người mẫu nổi tiếng. |
Điều đặc biệt nhất tạo nên chất riêng của show diễn đó chính là 28 bộ trang phục lấy cảm hứng từ vải thiều, vùng đất và con người Bắc Giang, do những nhà thiết kế trẻ tài năng thực hiện. Bộ trình diễn First Face được lấy ý tưởng từ hình ảnh người nông dân Lục Ngạn, Bắc Giang cùng khung cảnh núi non hùng vĩ, những vườn cây trĩu quả. Đặc biệt, bộ trang phục sử dụng nguyên bản trang phục của người dân tộc Sán Dìu địa phương, kết hợp cùng chất liệu mới lạ và độc đáo.
Ban tổ chức cho biết, bộ trang phục Vedett nặng tới 15kg, được lấy ý tưởng hình ảnh đặc trưng của miền núi phía Bắc với những ruộng bậc thang tuyệt đẹp và không thể thiếu vườn vải của mảnh đất Bắc Giang, cùng hình ảnh người nông dân cần cù chịu khó. Sắc đỏ của trái vải hoà cùng sắc xanh của núi rừng, cây lá đã tạo nên một bộ trang phục vừa hài hoà về màu sắc vừa mang nhiều lớp lang ý nghĩa.
Sau màn trình diễn, sự kiện cũng diễn ra 2 màn đấu giá trang phục và cây vải thiều. Hai bộ trang phục vedette và first face được đấu giá thành công với mức giá là 20.000.000 đồng và 12.000.000 đồng. Ngoài ra, gốc vải bonsai hơn 30 năm tuổi với thế cây đẹp đối xứng, có phương pháp canh tác độc đáo “vải mọc từ thân” được “phù thủy” vải thiều Trần Văn Thành chăm bón, được đấu giá thành công với mức giá 30.000.000 đồng bởi nhà tài trợ bạc - Hoàng Thị Ánh Ngọc.
Theo chia sẻ của ban tổ chức, chi phí thu lại được từ buổi đấu giá sẽ được sử dụng vào hoạt động từ thiện, nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Mô hình cần được nhân rộng
Nói về động lực để Công ty Phúc Lâm cùng những bạn trẻ và các thành viên HTX quyết tâm thực hiện một chương trình quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Tuyết, CEO Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm cho biết: "Tôi đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới, và biết được giá thành trái vải ở các nước này rất đắt, từ 700.000 đến 800.000/kg, tại một số quốc gia có thể lên tới 1,2 triệu đồng/kg. Mặc dù đắt hơn vải của chúng ta, nhưng thực tế chất lượng vải lại không thể ngon như trái vải của Việt Nam".
Bà Tuyết cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quả vải của Việt Nam không được như thế giới là do trồng trong các điều kiện tiêu chuẩn không đạt, hay do thời vụ quả vải quá ngắn, dồn dập một thời điểm khiến không thể tiêu thụ kịp thời.
"Đứng trước trăn trở đó, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng một mô hình vừa có thể khai thác du lịch, vừa có thể tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có những sản phẩm phái sinh từ quả vải như nước ép vải, siro…để có thể khai thác chuyên sâu", bà Tuyết cho hay.
Anh Nông Văn Bảy, đại diện HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn cho biết, việc liên kết với doanh nghiệp giúp đầu ra của trái vải ngày một lớn, HTX và các thành viên yên tâm sản xuất. |
Anh Nông Văn Bảy, đại diện HTX Nông nghiệp & Du lịch sinh thái Giáp Sơn cho biết, HTX được thành lập với 10 hộ gia đình, phần lớn các thành viên của HTX đều là người dân tộc Sán Dìu. Đến thời điểm này công tác chăm sóc vườn vải của các thành viên đều thực hiện theo quy trình của HTX.
"Nhờ áp dụng đúng quy trình vải sạch xuất khẩu, tiêu chuẩn GLOBAL GAP của HTX, đồng thời được công ty Phúc Lâm bao tiêu sản phẩm nên trong những năm qua, HTX an tâm sản xuất, nhờ đó sản lượng cũng như thu nhập của các hộ thành viên HTX ngày càng tăng cao, chất lượng sản phẩm ngày một tốt", anh Bảy nói.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có khoảng 30 HTX khai thác dịch vụ đón khách du lịch. Bên cạnh việc kết hợp với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho nông sản ở các thị trường trong nước và nước ngoài, các HTX này còn xây dựng nhiều chương trình liên kết tour, tuyến, kết nối các khu, điểm du lịch của huyện với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, từ đó có thể kích cầu việc tiêu thụ nông sản ngay tại vườn.
Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trong năm 2023, diện tích vải thiều của Lục Ngạn là 17.357 ha (tăng 1.607 ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt khoảng 98.000 tấn; thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023.
Nhằm nâng cao hiệu quả chế biến, tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch năm 2023. Trong đó có các nội dung như: Tổ chức khai mạc Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín”; Tổ chức thi hái vải, bó vải, đóng vải dưới sự cổ vũ của các đại biểu, du khách; Tổ chức các tour trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan các điểm du lịch, trải nghiệm làng nghề, giao lưu văn nghệ, trình diễn dân ca, thời trang tại các điểm du lịch, các miệt vườn… với kỳ vọng Lục Ngạn sẽ trở thành điểm đến với thương hiệu du lịch bốn mùa hoa trái.
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [05/06/2023] Nông sản HTX trước thách thức giữ vững 'sân nhà'
- [02/06/2023] HTX học cách tìm hiểu thị trường của thương nhân Trung Quốc
- [02/06/2023] HTX gắn với chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cao cho nông dân Đắk Nông
- [02/06/2023] HTX thúc đẩy bán hàng trên 'chợ mạng', nông dân kiếm bộn
- [31/05/2023] Nông dân xứ Nghệ tự tin làm nông nghiệp sạch