Tổ hợp tác vùng cao góp phần ổn định đời sống hộ thành viên

|

Hiện nay, ngoài mô hình HTX, Liên hiệp HTX đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì mô hình tổ hợp tác cũng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, thu hút người dân tham gia phát triển sản xuất hiệu quả. Từ đó, góp phần ổn định đời sống của các thành viên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các tổ hợp tác (THT) kiểu mới đã có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân, xây dựng nông thôn mới, thể hiện được vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình thành viên tại cơ sở. Qua đó, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của người dân trong sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, chủ động trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Điểm tựa cho thành viên thoát nghèo

THT Ngàn Hương, tỉnh Bắc Kạn là minh chứng cho việc phát triển sinh kế bền vững dựa vào nội lực sẵn có tại quê hương và truyền thống gia đình. Người Tày chiếm hơn 50% dân số tỉnh Bắc Kạn và họ có những cách thức sáng tạo để phát triển kinh tế dựa vào sản vật của địa phương và truyền thống lâu đời của dân tộc.

Các THT đã góp phần ổn định đời sống của các thành viên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chị Nguyễn Thị Luận là Tổ trưởng THT Ngàn Hương gồm 4 người, cùng nhau góp vốn làm ăn. Chị Luận học Đông y nên biết rõ những phương thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ mang lại lợi ích cho sức khoẻ mà còn là nét đẹp văn hoá cần bảo tồn và phát huy.

Chị nảy ra ý tưởng dùng cây thảo mộc truyền thống của quê hương để biến thành bài thuốc chữa bệnh. Sản phẩm chính của THT là các loại dược liệu, hoa hồi, thảo quả… cổ truyền của người Tày. Mỗi ngày, THT thu mua khoảng 1-2 tạ dược liệu, đưa vào chế biến thành những loại thuốc trị bệnh dạ dày, sỏi thận, trĩ, u xơ, u nang và bệnh cam…

Nhận thấy sản phẩm trà hoa, thảo mộc có nhu cầu lớn ở thành phố, đối tượng tiêu thụ rộng và đa dạng hơn nên chị Luận dự định trong thời gian tới, tập trung đẩy mạnh sản xuất trà và tinh dầu thơm. Chị mong ước có thêm nhiều người gia nhập THT, bà con tích cực trồng dược liệu để chế biến thành những loại đặc sản của quê hương Bắc Kạn, đưa đến tay người tiêu dùng trong cả nước.

Còn với chị H’Bình, người dân tộc M’Nông, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lại bắt đầu từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, chị luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm. Mẹ chị là nghệ nhân, có hơn 50 năm gắn bó với khung dệt.

Nối nghiệp mẹ và bằng niềm đam mê thổ cẩm đã ngấm vào huyết quản từ nhỏ, chị H’Bình quyết định thành lập THT với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Khởi điểm, các thành viên trong tổ đều không biết dệt nhưng lại có chung khát khao lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Tổ trưởng H’Bình chủ động tham gia các lớp đào tạo, tập huấn và trở thành nghệ nhân. Trở về nơi cư trú, chị truyền nghề cho các thành viên và họ cùng nhau sáng tạo nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: áo, váy, chăn…

Có sản phẩm nhưng làm cách nào để đưa đến tay người tiêu dùng luôn là câu hỏi lớn với chị H’Bình. Thay vì thụ động ngồi chờ, chị tận dụng các mạng xã hội để tìm khách hàng và bán hàng. Nhờ đó mà THT đã duy trì sản xuất, tạo việc làm cho 10 chị em người dân tộc M’nông, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

'Nguồn' phát triển lên HTX kiểu mới

Tại tỉnh Yên Bái, những năm qua nhiều mô hình THT ra đời và phát triển mạnh, đã góp phần không nhỏ vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Các THT hoạt động đa dạng trong các ngành, lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, chế biến, tín dụng... doanh thu bình quân một THT đạt khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/THT, thu nhập bình quân thành viên, lao động của THT khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Cùng với việc đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua, nhiều THT sau khi thành lập đã hoạt động hiệu quả với công tác quản lý điều hành chặt chẽ từ nguồn vốn đến khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Từ đó là tiền đề và bước đệm để các THT phát triển vững chắc thành các HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012.

Ở Yên Bái có nhiều điển hình chuyển đổi từ THT lên HTX như: Tổ hợp tác chăn nuôi Thôn 7, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã phát triển lên thành HTX chăn nuôi dịch vụ nông nghiệp MQ; THT lá thuốc người Dao thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã phát triển thành HTX sản xuất dược liệu Viễn Sơn; THT sản xuất miến dong, thôn Ngòi Đong, xã Giới Phiên, TP Yên Bái đã phát triển lên thành HTX miến dong Giới Phiên Giáp Hậu; THT trồng Cam thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã phát triển lên thành HTX sản xuất và dịch vụ Cam an toàn Văn Chấn; THT cây ăn quả thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên phát triển thành HTX cây ăn quả Hưng Thịnh...

Một số HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành từ THT là minh chứng rõ nét về THT “nguồn” quan trọng để phát triển lên HTX.

Theo lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện nay, bên cạnh việc phát triển HTX, Cục cũng đã và đang tập trung đến mô hình THT, bởi cùng với HTX, THT cũng sẽ là "bà đỡ" cho kinh tế hộ, từng bước cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là “nguồn” để phát triển lên HTX kiểu mới, đảm bảo cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Trung ương, đồng thời phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để THT được hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, khoa học – công nghệ, thị trường…

Theo VN Business