Trồng giống ổi trái mùa, nông dân Di Trạch thu cả tỉ đồng mỗi năm

|

Nhắc đến xã Di Trạch, huyện Hoài Đức (Hà Nội), ít ai không biết tới quả ổi đặc sản thơm ngon, đang  trở thành “cây làm giàu” cho người dân nơi đây. Để đưa quả ổi thành đặc sản tiêu chuẩn OCOP, không thể không nhắc tới vai trò của khu vực KTTT, trong đó điển hình là HTX Dịch vụ Di Trạch.

Chúng tôi trở lại Di Trạch vào một ngày đầu tháng 5, giữa cái nắng gắt đầu hè, màu xanh mát của những vườn ổi bỗng chốc làm dịu đi cái nắng đầu hè oi ả. Dù thời tiết nắng nóng gần 40 độ C, nhưng nhiều thành viên của HTX vẫn miệt mài chăm sóc vườn ổi đang vào thời kỳ phát triển quả.

Liên kết tìm đầu ra cho quả ổi VietGap

Dẫn phóng viên đi một vòng thăm vườn ổi, anh Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch kể: Trước đây, nông dân trong xã chủ yếu là trồng lúa, khoảng 10 năm trở lại đây đa số người dân đã chuyển sang trồng ổi vì đem lại kinh tế cao hơn, lại còn dễ trồng nên xã đã hướng cây ổi trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Quả ổi Di Trạch được đánh giá rất ngon, đạt chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất trên mỗi ha tăng gấp 3, 4 lần so với trồng lúa.

Thiet-ke-chua-co-ten-2-2_1684398222.png

Anh Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ Di Trạch, Hoài Đức (Hà Nội) đang bọc nilon cho ổi bắt đầu kết trái để tránh sâu bệnh.

Với ưu điểm dễ trồng, quả to, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp nên những hộ dân trong xã áp dụng trồng ổi rộng rãi. Đa số nhà nào cũng có vài sào ổi, có những nhà trồng nhiều lên tới vài ha. Hiện tại riêng HTX Di Trạch có tổng diện tích 32ha trong đó 15ha trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGap, số còn lại chia diện tích cho các loại cây trồng khác như táo, đu đủ, hồng xiêm,...

“Ngay khi chuyển đổi sang trồng ổi làm chủ lực, chúng tôi đã định hướng cho thành viên trồng theo tiêu chuẩn VietGap, bón phân hữu cơ, sản xuất sạch áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vì vậy hiện nay việc tìm đầu ra cho quả ổi Di Trạch đã ổn định hơn trước nhiều”, anh Quang chia sẻ.

Nhờ chú trọng sản xuất sạch, quả ổi Di Trạch không chỉ được đem ra tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng rau củ sạch mà còn trực tiếp liên kết tiêu thụ với các đơn vị khác như: HTX Vĩnh Kim, công ty Nam An, công ty cổ phần hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định với mức giá từ 15.000-25.000 đồng/kg.

Sản lượng hàng năm của HTX khoảng 300 tấn/năm, đồng thời HTX cũng đã tạo ra thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/tháng cho các thành viên. Đã có những hộ dân trong xã kiếm hàng trăm triệu đồng một năm nhờ kinh doanh ổi.

Trồng ổi không khó, nhưng muốn ổi đạt chất lượng sạch, đúng tiêu chuẩn lại cần các yếu tố khắt khe hơn cách trồng truyền thống. Đơn cử như tưới nước phải đầy đủ, khoảng cách giữa các cây với nhau không được quá gần tránh cây nọ hút dinh dưỡng cây kia.

“Thời gian đầu HTX cũng rất khó khăn vì chuyển từ cách trồng truyền thống sang VietGap, nhiều hộ trong xã chưa hiểu rõ vấn đề nên bỡ ngỡ, vẫn chọn làm theo cách cũ. Phải mất 1 năm HTX mới ổn định tập trung cải tạo đất đai và hiểu rõ những quy định tiêu chuẩn, khoa học kỹ thuật trong trồng ổi VietGap”, anh Quang chia sẻ.

Đổi mới tăng hiệu quả phát triển

Thực tế thì ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, có nhiều thành viên thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm nhờ trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt hơn, thành viên ở đây đã nghiên cứu ra mô hình trồng ổi trái vụ, với kỹ thuật này, người dân trồng ổi ở Di Trạch không còn lo được mùa mất giá.

Lý do là quả ổi ở đây thường thu hoạch quanh năm, nhưng chính vụ sẽ vào tháng 5- 6. Tuy nhiên vì là chính vụ nên cạnh tranh nhiều với loại quả khác dẫn đến giá ổi bị giảm và khó tiêu thụ.

Thiet-ke-chua-co-ten-6-copy.png

Quả ổi Di Trạch được đánh giá rất ngon, đạt chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất trên mỗi ha tăng gấp 3, 4 lần so với trồng lúa.

Chính vì vậy, anh Quang đã định hướng cho các thành viên HTX tránh thu hoạch chính vụ, điều chỉnh sang mùa ổi chiêm, cho vườn ổi ra hoa, kết trái để có thể thu quả từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau.

“Khi cây ổi bắt đầu ra những quả non vào khoảng tháng 4 hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành vặt bỏ toàn bộ, sau đó cắt tỉa cành, tạo tán, tập trung nuôi cây. Đến tầm tháng 7- 8 các thành viên sẽ bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây ổi ra hoa, kết trái bằng cách bấm ngọn toàn bộ số cây ổi trong vườn theo từng đợt, từng lớp từ thấp đến cao”, anh Quang chia sẻ.

Đặc biệt, để hạn chế sâu bệnh ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng, các hộ trồng dùng kỹ thuật bao trái, những trái ổi sẽ được bọc bằng túi nilon buộc ở cây. Cũng nhờ đó mà hạn chế được việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo chất lượng, an toàn đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Điều trăn trở nhất đối với vị giám đốc này và các thành viên HTX là mặc dù ổi Di Trạch đã có thương hiệu nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định. Mới chỉ có khoảng 30% có được đầu ra ổn định, còn lại đa số vẫn phải tiêu thụ ở các chợ quê.

Trước khi chia tay, anh Quang nói với phóng viên rằng, HTX mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân có mặt bằng giới thiệu sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, dán tem nhãn để mở đường thuận lợi vào các kênh phân phối lớn. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, mở các chuỗi liên kết, đẩy mạnh phát triển thương mại, tìm đầu ra cho cho sản phẩm giúp ổi Di Trạch bay xa hơn và phát triển bền vững.

Có lẽ, điều anh Quang mong mỏi không chỉ riêng HTX Dịch Vụ Di Trạch mà các HTX khác trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng đang phải đối diện, đó là tốc độ đô thị hoá tại vùng ven đô này đang phát triển khá nhanh. Vì vậy, một lượng lớn đất trồng nông nghiệp đang bị suy giảm. Mặc dù, các HTX và người dân nơi đây vẫn đang cố gắng từng ngày để gìn giữ được vùng trồng ổi đặc sản quê hương, nhưng nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền thì diện tích trồng ổi sẽ ngày càng thu hẹp.

Theo VN Business