Trồng lúa gạo hữu cơ, giá bán gấp đôi

|
Nhận thấy nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, có thêm sự giúp đỡ của Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình cùng Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (sau đây gọi tắt là HTX Nam Cường) đã mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

HTX đã tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương, gốc rạ trên đồng ruộng, sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK. Đồng thời, do Tiền Hải là huyện ven biển, có nghề đánh bắt hải sản nên HTX đã tận dụng nguồn cá bị hỏng, không thể làm thực phẩm để ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm u-rê, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.

Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX là sản phẩm sạch, giá bán tăng tới 200% so với sản xuất thông thường. Một minh chứng cụ thể, vụ mùa năm 2022 (vụ hè-thu), với diện tích gần 1,3ha, HTX đã thu về 4 tấn lúa (2,7 tấn gạo) với giá bán 30.000 đồng/kg gạo. Chất lượng gạo được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo sử dụng cùng một loại giống trên thị trường. Giá gạo hữu cơ có giá bán cao gấp đôi so với các loại gạo khác đã đem lại niềm vui, sự động viên, khích lệ cho các thành viên HTX Nam Cường.

Thu hoạch lúa. Ảnh minh họa: TTXVN 

Thu hoạch lúa. Ảnh minh họa: TTXVN 

Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX Nam Cường cho rằng, giá vật tư nông nghiệp tăng cao và không ổn định trong những năm vừa qua; vùng đất sản xuất lúa tại Tiền Hải vốn nhiều chua mặn, canh tác năm được, năm mất, năng suất thu được phụ thuộc vào thời tiết, hiệu quả không cao nên người dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng. Vì thế, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy tốn công làm cỏ, công bắt ốc bươu vàng, nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường. Các thành viên HTX Nam Cường đều hứng khởi với mô hình sản xuất này.

Dự kiến năm 2023, HTX Nam Cường sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch ra thị trường với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chất thải chăn nuôi của các thành viên HTX nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo thơm ngon, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.

Theo Quân đội nhân dân