Trồng rau an toàn quy mô lớn, các HTX ở Hà Nội thu hàng tỷ đồng mỗi năm
Trong bối cảnh hiện nay, tiêu dùng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn đang là xu hướng chủ đạo toàn cầu. Ngay giữa lòng TP. Hà Nội, nhiều mô hình, cách làm hay trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng “xanh, sạch, hiện đại” được nhiều HTX thực hiện, giúp ổn định đầu ra sản phẩm và tăng thu nhập cho các thành viên.
HTX Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông) và HTX Văn Đức (huyện Gia Lâm) là “vựa” rau, củ, quả truyền thống của TP.Hà Nội. Các sản phẩm rau, củ của các HTX đang được đánh giá chất lượng an toàn, được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Rau an toàn khẳng định ưu thế
Hướng tầm mắt về vùng trồng rau màu rộng lớn, ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Hoà Bình, nói: “Trước đây, thế hệ cha ông chúng tôi vẫn canh tác rau theo lối truyền thống, bón phân chuồng ủ mục, tưới nước sạch sông Đáy. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, nước sông Đáy ngày càng ô nhiễm nặng, không thể dùng để tưới rau được”.
Đến năm 2008, nhận thấy vấn đề ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các thành viên. Để 'cứu' vùng rau truyền thống của địa phương, quận Hà Đông đã đầu tư hệ thống nước sạch để sản xuất rau an toàn (RAT), đồng thời phối hợp cùng với HTX triển khai mô hình rau an toàn trên toàn diện tích sản xuất.
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông hiện có 11,7ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
Ban đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn, vai trò chính của HTX là chuẩn bị khâu tổ chức chỉ đạo người dân sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban giám đốc và thành viên HTX, đến nay thương hiệu rau an toàn Hòa Bình đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Vĩnh cũng nói thêm, việc kiểm soát rau an toàn hiện nay cần được quan tâm, đặc biệt là khi trên thị trường trôi nổi những loại rau không có nguồn gốc. Trước đây các hộ nông dân sản xuất rau theo hướng truyền thống, nay nhờ việc thay đổi và định hướng tư duy trồng rau mới theo hướng VietGAP, sản phẩm rau an toàn của HTX đang được mở rộng và tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Việc chuyển hướng canh tác mới đã thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên, từ đó vùng trồng rau an toàn của HTX Hòa Bình cũng hạn chế được sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao. “Kiểm tra, theo dõi các hộ có rau VietGAP trong thời gian qua đều nhận thấy bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, phun thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly, có ghi chép đầy đủ. Đây là một bước đệm tốt trong tư duy sản xuất của các thành viên, hộ dân địa phương”, ông Vĩnh chia sẻ.
Đến nay, HTX Hòa Bình sản xuất các loại rau, củ, quả như: súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp…, cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
HTX Văn Đức hiện có 8 sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn 4 sao theo OCOP. |
Ông Nguyễn Hữu Trung, tổ dân phố 16, phường Yên Nghĩa cho biết, gia đình ông trồng rau từ năm 2008 đến nay. Với diện tích 4 sào ruộng, ông Trung canh tác theo quy trình VietGAP khoảng 1 sào, còn lại là rau an toàn. Cũng như nhiều hộ dân khác gia đình ông Trung chủ yếu canh tác các loại rau ăn lá là cải mơ, cải ngồng, cải ngọt, rau lang, rau ngót, mồng tơi.
Ông Trung phấn khởi cho biết, đa phần đầu ra của bà con hiện nay đều khá thuận lợi. HTX Hòa Bình đang thu mua tiêu thụ khoảng 20% sản lượng rau của gia đình, trong đó rau VietGAP luôn bán được cao hơn RAT trung bình khoảng 1.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 1 tạ rau, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, nếu giá cả thuận lợi có thể thu lãi lên tới hơn chục triệu đồng.
Hiện, HTX thu hút 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ hướng canh tác an toàn, năm 2019 HTX đã có 6 sản phẩm là rau mồng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Theo đánh giá, trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ dẫn tới thu nhập không ổn định. HTX ra đời với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận với phương pháp sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất theo kế hoạch
Đến thăm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm), ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX chia sẻ với phóng viên, hiện HTX Văn Đức có 1.200 hộ tham gia trực tiếp sản xuất, chia thành 20 nhóm và 5 liên nhóm, mỗi nhóm gồm 25 - 30 hộ thành viên trồng rau. Trong đó, mỗi nhóm, liên nhóm bầu ra 1 tổ trưởng làm nhiệm vụ giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng đồng bộ theo đúng quy trình, mỗi tổ trưởng được hỗ trợ mức lương cố định hàng tháng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức thăm vườn rau của bà con. |
Nhận thấy người tiêu dùng đang đề cao tính an toàn, bảo đảm chất lượng lên hàng đầu, nên HTX vẫn chuyên tâm sản xuất rau sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng để dễ bán và có giá cao hơn. Các hộ thành viên chỉ sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, không được sử dụng phân trước khi thu hoạch. Hơn nữa, vùng trồng rau của HTX nằm ở ven sông Hồng, bảo đảm cách xa nhà máy, xí nghiệp, không gần quốc lộ, không gần bệnh viện nên hoàn toàn bảo đảm yêu cầu khi trồng rau không bị nhiễm bẩn, các tác nhân gây bệnh cũng được hạn chế tối đa.
Thời gian đầu, khi mô hình mới được tiếp cận, khó khăn không chỉ riêng HTX mà trực tiếp là bà con nông dân trồng trọt theo tập quán cũ thay đổi tư duy canh tác.
Bài toán đầu tiên cho những hộ gia đình tham gia HTX là phải thử xem hiệu quả của việc cải tạo môi trường đất. Vụ đầu, năng suất giảm hẳn so với canh tác thường, người trồng rau sạch thu nhập thấp, thậm chí không có nguồn thu vì thiếu đầu ra.
Để giải quyết tốt vấn đề đầu ra, HTX đã tổ chức kế hoạch sản xuất cụ thể, bên cạnh trồng đa dạng các loại rau, HTX còn căn cứ vào sản lượng tiêu thụ để cân đối diện tích gieo trồng, tránh sản xuất ồ ạt một loại rau khiến khó bán, giá cả không đảm bảo. Cùng với đó, HTX cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên. Nhờ vậy, sản lượng rau ở Văn Đức mỗi năm đạt từ 35.000 – 37.000 tấn vẫn được tiêu thụ ổn định, doanh thu đạt từ 550 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình, ông Minh cũng chia sẻ thêm: “Mô hình HTX trồng rau an toàn VietGAP đã được áp dụng thành công, đồng thời thay đổi tư duy canh tác, làm tăng thu nhập của người bà con trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng, gấp 2-3 lần so với cấy lúa”.
Nhờ sản xuất theo đúng quy trình, chất lượng đảm bảo, sản phẩm có dán nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên các sản phẩm rau an toàn hiện nay không chỉ được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, mà còn xuất khẩu sang một số nước.
Dù đã có được sự ổn định trong sản xuất nhưng các HTX vẫn mong muốn hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt theo ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX Hoà Bình cho biết, HTX đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty, cửa hàng trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày, HTX xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả…
Tuy nhiên, số lượng này mới chiếm 70% tổng sản phẩm, 30% còn lại các thành viên HTX vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Để ổn định, HTX mong muốn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn quận kết nối, giới thiệu địa chỉ tiêu thụ, giúp thành viên HTX, nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [15/05/2023] Cây quế và nông thôn mới đã giúp Văn Yên đổi thay như thế nào?
- [15/05/2023] Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, HTX không lo đầu ra
- [12/05/2023] Biến đất hoang thành 'bờ xôi ruộng mật'
- [12/05/2023] Du lịch cộng đồng tạo cú hích cho nông thôn mới trên cao nguyên đá
- [12/05/2023] Hướng đi mới từ nuôi cá kết hợp du lịch sinh thái