Vạn Ninh: Xây dựng điểm du lịch làng nghề xoi trầm
Mong ước của người dân làng nghề
Gia đình ông Dương Văn Trung (thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng) có 5 nhân khẩu đều làm nghề xoi trầm. Trước đây, bố mẹ ông cũng làm nghề xoi trầm, đến thế hệ ông kế nghiệp cũng hơn 30 năm gắn bó với nghề. Theo ông Trung, nghề xoi trầm ngày càng phát triển với 3 dòng sản phẩm là trầm nguyên liệu, trầm mỹ nghệ và hương trầm. Các sản phẩm ngày càng được chế tác tinh xảo, đẹp mắt và mang giá trị cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chính vì vậy, nghề này giúp đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho gia đình ông. “Mấy năm gần đây, khách du lịch tìm đến làng nghề tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm rất đông. Do đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có định hướng, đầu tư và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề. Qua đó, giúp người dân làng nghề gìn giữ, mở rộng và phát huy giá trị của sản phẩm trầm hương, tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo thêm thu nhập, giúp sản phẩm của địa phương được quảng bá đi nhiều nơi trên thế giới”, ông Trung chia sẻ.
Người dân xã Vạn Thắng với công đoạn xoi trầm. |
Hiện nay, làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng có khoảng 400 hộ với hơn 700 nhân khẩu làm nghề. Đây là nghề cha truyền con nối, đến nay đã hơn 100 năm. Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng cho biết: Trước đây, các hộ làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, đầu ra sản phẩm được mở rộng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2016, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận công nhận làng nghề. Đến năm 2019, Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng được thành lập và trở thành điểm kết nối, giao lưu, trao đổi, hỗ trợ, học tập kinh nghiệm của người dân. Đến năm 2021, sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Những năm gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước tự tìm đến làng nghề; một số doanh nghiệp đưa khách du lịch tới tham quan làng nghề và họ rất thích thú. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư bài bản nên hoạt động này chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi rất cần thiết, đó cũng là mong muốn của người dân nơi đây...
Từng bước xây dựng điểm du lịch làng nghề
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, huyện đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện kế hoạch xây dựng điểm du lịch, gắn với làng nghề xoi trầm hương xã Vạn Thắng giai đoạn 2022 - 2025. Việc xây dựng điểm du lịch nhằm phát triển các sản phẩm, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề; phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới... Mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ hình thành điểm du lịch trung tâm, gắn với làng nghề theo mô hình chuỗi liên kết trên cơ sở quy hoạch, cải tạo và xây dựng một số công trình hỗ trợ phát triển du lịch; củng cố, kiện toàn 1 doanh nghiệp trung tâm để điều phối, quản lý, thúc đẩy mô hình du lịch - sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hình thành từ 7 đến 10 cơ sở sản xuất, hộ gia đình liên kết sản xuất được đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phục vụ tham quan, trải nghiệm làng nghề cho du khách.
Bên cạnh đó, huyện kêu gọi từng bước đầu tư trang thiết bị, máy móc nhằm nâng cao số lượng, chất lượng sản xuất các sản phẩm của làng nghề. Hàng năm, tổ chức từ 1 đến 2 khóa đào tạo, truyền nghề cho người dân. Cùng với đó, chú trọng phát triển ít nhất 5 sản phẩm của làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ; tổ chức liên kết với ít nhất 3 vùng nguyên liệu trồng cây dó bầu trong và ngoài tỉnh nhằm đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề; từng bước khai thác khách du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút khoảng 3.000 lượt khách du lịch/năm và duy trì mức tăng trưởng bình quân đạt từ 15%/năm…
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, địa phương đang tập trung triển khai để từng bước hình thành nên điểm du lịch làng nghề. Trong đó, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác theo hướng bền vững, bảo đảm đôi bên cùng có lợi. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm, bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông… Với định hướng đó, hy vọng trong thời gian không xa, Vạn Thắng sẽ trở thành điểm du lịch làng nghề được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Theo Báo Khánh Hòa
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [09/01/2023] HTX NTTS du lịch Vân Phong hướng đến liên kết với các trường, viện, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ lồng khung HDPE vào nuôi biển công nghệ cao
- [22/02/2022] Đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã
- [27/12/2021] Thúc đẩy phát triển Hợp tác xã dịch vụ bảo vệ môi trường
- [21/07/2021] Xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương
- [29/06/2021] Biểu dương, nhân rộng các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả