Việt Nam cần bước đi đột phá để đưa kinh tế xanh đạt mốc 300 tỷ USD vào năm 2050
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa kinh tế xanh đạt được mốc 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công” ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, kinh tế thế giới 2023 đang đối diện với tình trạng “đa khủng hoảng”, từ gia tăng nợ công, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm, đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Tình trạng “đa khủng hoảng” hiện nay đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, trong đó tăng trưởng xanh đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế trước những biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen.
Với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Với mục tiêu hướng đích của tăng trưởng xanh như vậy, Bộ KH&ĐT - cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hợp tác với Boston Consulting Group (BCG), với sự hỗ trợ của Tập đoàn SK, kết quả nghiên cứu sơ bộ ban đầu của BCG cho thấy, để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP lên tới 70-80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90-105 nghìn việc làm trực tiếp.
Ngoài ra, hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như đặt ra tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Trong đó, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít carbon. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu.
Bốn khuyến nghị chính được nhóm nghiên cứu đưa ra cho Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cơ hội, đó là hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; Tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; Phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; và tăng tốc phát triển hệ sinh thái Hydro sạch.
Về kế hoạch hành động sắp tới, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, cho hay Bộ KH&ĐT sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư.
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.
Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống.
Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Tại Mỹ, kinh tế xanh tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp tương đương 1.300 tỷ USD/năm; con số này với các nước OECD là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ USD/năm. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…
Theo VN Business
- [06/02/2024] Trợ lực để HTX mây tre đan phát huy nội lực
- [06/02/2024] HTX làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?
- [06/02/2024] HTX trái cây kỳ vọng sức mua ngày cận Tết để thoát cảnh dội chợ
- [06/02/2024] Đừng để HTX và người tiêu dùng thành 'đôi đũa lệch'
- [06/02/2024] Sản phẩm OCOP của HTX đẩy mạnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
- [18/04/2023] Chuyển đổi số để hợp tác xã phát triển
- [18/04/2023] Phong Thổ trên đường ra khỏi danh sách huyện nghèo
- [18/04/2023] Một ngày ở 'thủ phủ' vải thiều Lục Ngạn
- [18/04/2023] Nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch, nông dân thu tiền triệu
- [18/04/2023] HTX tạo chuỗi giá trị bền vững cho cây sắn dây