Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

|
“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau” - quan niệm ấy dường như đã thấm nhuần trong mỗi bước đi của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trên hành trình đó, Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa đã làm tốt vai trò đồng hành, dẫn dắt, cùng với kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng vào kết quả kinh tế - xã hội chung của tỉnh, nhất là trong việc đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chăm lo cho thành viên ở miền núi

Đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm tiêu biểu do các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sản xuất.
Đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm tiêu biểu do các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sản xuất.

Ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Sơn là nơi tập hợp những người chuyên nuôi gà thịt thả vườn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. “Một ngày gần đây, chúng tôi sẽ mang đến cho mọi người món gà đồi thơm ngon, dai ngọt, được chăn nuôi sạch, tự nhiên, an toàn và từng bước hoàn thiện theo chuẩn hữu cơ” - vị giám đốc hợp tác xã này chia sẻ với chúng tôi.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về công tác năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về công tác năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Và để tiếp sức cho hành trình hứa hẹn không ít gian nan ấy, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa đã khảo sát, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của thành viên này và đưa ra kế hoạch hỗ trợ để phát triển đàn gà, quy trình, kỹ thuật chuẩn để nuôi gà hữu cơ… thông qua dự án hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị.

Gian hàng của thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham dự hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ tại Khánh Hòa. 

Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa cho biết, hàng năm, việc hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chẳng hạn như năm 2022, 17 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn đã được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ mỗi hộ 55 cây sầu riêng, 200kg phân bón và 1 máy bơm nước với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Cũng từ chương trình này, Hợp tác xã Sản xuất và thu mua nông sản Hiệu Linh ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh được hỗ trợ 1 xe máy múc kết hợp máy ủi trị giá 125 triệu đồng để phục vụ cho quá trình sản xuất. “Cùng với sự hỗ trợ về vốn, chúng tôi tập trung hỗ trợ các hợp tác xã cách thức để làm quen với những loại hình liên kết, hợp đồng liên kết giữa hợp tác xã và hộ thành viên; phương án sản xuất kinh doanh; kiến thức quản trị hợp tác xã, marketing, xúc tiến thương mại… nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã ngày càng phát triển bền vững" - ông Nguyễn Trung Dũng cho biết. 

Khẳng định được vai trò và vị thế

Trao quyết định kết nạp hội viên mới cuối năm 2023.
Trao quyết định kết nạp hội viên mới cuối năm 2023.

Những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh tham gia ngày càng sâu vào khâu tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và mang về lợi nhuận ngày càng cao cho thành viên. Các hợp tác xã ở khu vực nông thôn khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 185 hợp tác xã trong toàn tỉnh đang thu hút gần 40.000 thành viên. Tổng số vốn hoạt động ước tính hơn 1.406 tỷ đồng. Các hợp tác xã đã thu hút hơn 13.200 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Lợi nhuận ước đạt 245 triệu đồng/hợp tác xã. Điều đáng mừng là ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, các thành viên đã tập hợp, đoàn kết với nhau cùng mở rộng quy mô sản xuất và không ngừng nâng cao chất lượng nông sản. Đến nay, đã có nhiều hợp tác xã áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, chăn nuôi; 19 hợp tác xã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Một số sản phẩm nổi bật từ kinh tế hợp tác có thể kể đến như: Sầu riêng, mật chuối, mía tím ở Khánh Sơn; bưởi da xanh, dưa lưới… ở Khánh Vĩnh.

Các hợp tác xã giao lưu, trao đổi với nhau tại một diễn đàn quảng bá, kết nối tiêu thụ do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức năm 2023.
Các hợp tác xã giao lưu, trao đổi với nhau tại một diễn đàn quảng bá, kết nối tiêu thụ do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức năm 2023.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, cùng với đồng hành, hỗ trợ thành viên phát triển, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã đứng ra vận động, kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các mạnh thường quân để xây nhà Đại đoàn kết cho thành viên gặp khó khăn về nhà ở; trao quà tiếp bước đến trường cho các học sinh nghèo hiếu học; thăm, tặng quà các đối tượng xã hội; trao sổ tiết kiệm cho người già neo đơn… Các hoạt động này phần lớn hướng về 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Chẳng hạn hưởng ứng “Ngày hội bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Quý Mão 2023 do tỉnh phát động, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã vận động được các phần quà trị giá 64 triệu đồng để trao cho các gia đình gặp khó khăn ở Khánh Sơn; tặng xe đạp, cặp sách và 2 sổ tiết kiệm cho các học sinh và hộ gặp khó khăn tại xã Sơn Thái, Khánh Vĩnh.

Theo Báo Khánh Hòa điện tử.